- Gadomski viết: “Chúng ta thấy một số phản ứng tức thời đòi loại bỏ hạt nhân, nhưng điều đó không thể xảy ra trong một thời gian dài. Chúng ta không có một giải pháp nào khác tốt hơn nếu như muốn làm cho ngành năng lượng sạch, không còn khí nhà kính".
Chỉ một tuần sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hành bản tin hàng ngày trên công báo và internet, thông báo liên tục trong những tháng tiếp theo về các số liệu khoa học kiểm định phóng xạ môi trường cập nhật do Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân ở Hà Nội và Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt ghi đo được, nhằm hướng dẫn nhân dân các kiến thức chủ động ứng phó, đồng thời trấn an dư luận về thực trạng an toàn phóng xạ ổn định ở Việt Nam.
Nhà máy điện hạt nhân Fukuishima vào lúc xảy ra sự cố nhìn từ trên không. |
Đó là sự thể hiện chính sách thông tin hạt nhân công khai minh bạch và thái độ ứng phó bình tĩnh hợp lý trong tình huống khẩn cấp. Khủng hoảng Fukushima đã gây ra nhiều biến động trong ngành điện hạt nhân thế giới, đòi hỏi phải phân tích đánh giá nghiêm cẩn các bài học từ sự kiện này và đề xuất bổ sung các giải pháp thích ứng với những yêu cầu mới đặt ra.
Phong trào phản đối năng lượng hạt nhân tăng lên sau Fukushima, tâm lý lo sợ “con ma” phóng xạ vô hình đã làm cho nhiều người chỉ muốn gạt bỏ hạt nhân ra khỏi cuộc sống, hơn là nghĩ đến việc phải nâng cao trình độ để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng này.
Đã có ít nhất 5 nước tuyên bố sẽ ngừng chương trình điện hạt nhân, một số nước khác còn cân nhắc chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng.
Chính phủ Đức sau vụ Fukushima lại quay về với tuyên bố năm 1998, dự định kéo dài hoạt động các nhà máy điện hạt nhân thêm 10 năm và sẽ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2022.
Quốc gia này với tiềm năng kinh tế khoa học công nghệ hàng đầu châu Âu đang tính đến khả năng sử dụng điện gió thay cho điện hạt nhân, nhưng họ cũng sẽ phải đối mặt trong 10 năm tới với thách thức thâm hụt ngân sách hàng vài trăm tỉ Euro đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Nhật Bản nơi trực tiếp chịu đựng hậu quả siêu động đất sóng thần và khủng hoảng hạt nhân đang đứng trước một tình hình khó khăn khá tế nhị: phải tạm ngừng tất cả các nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra an toàn chống thảm họa, nhưng đến nay, giữa tháng 6/2012 vẫn chưa một tổ máy nào tái vận hành, chủ yếu là do chưa được người dân và chính quyền ở từng địa phương ủng hộ; trong khi hầu hết các chuyên gia và các quan chức chính phủ đều biết rằng dừng điện hạt nhân ngày nào là bất lợi cho nền kinh tế ngày ấy.
Phản ứng của công chúng một phần vì lo ngại các công nghệ cũ như ở nhà máy Fukushima-1, nhưng còn có phần quan trọng do họ cho rằng hệ thống quản lý an toàn hạt nhân quốc gia và công ty điện lực trong tình huống khủng hoảng như vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, vì vậy mọi lời hứa hẹn cải tiến, đổi mới cũng chưa đủ thuyết phục.
Người Nhật thấy rõ là năng lượng tái tạo chưa đủ chín muồi và họ buộc phải tạm thời nhập dầu, khí chạy điện với giá cao để thay cho hạt nhân trong lúc giao thời. Từ logic quản lý có thể thấy việc tái vận hành một phần lớn các nhà máy điện hạt nhân ở nước này sau khi kiểm tra an toàn là không thể tránh khỏi.
Trong thực tế, tháng 7/2012 đã tái khởi động, đưa điện lên lưới hai tổ máy (lò phản ứng) số 3 và 4 của Nhà máy điện hạt nhân Oi ở tỉnh Fukui. Đến ngày 1/10, chính phủ Nhật của đảng Dân chủ DPJ lại cho phép tiếp việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Oma ở tỉnh Aomori. Và với chính phủ mới của đảng Dân chủ Tự do LDP, một đảng vốn chủ trương phát triển điện hạt nhân, chính sách hạt nhân của nước Nhật sắp tới có thể có những định hướng dài hơn nữa.
Ngay sau khi xảy ra vụ Fukushima, nhà phân tích năng lượng mới của tập đoàn tài chính Bloomberg là Gadomski nhận định rằng: “Chúng ta thấy một số phản ứng tức thời đòi loại bỏ hạt nhân, nhưng điều đó không thể xảy ra trong một thời gian dài. Chúng ta không có một giải pháp nào khác tốt hơn nếu như muốn làm cho ngành năng lượng sạch, không còn khí nhà kính”.
Vì những lý do như vậy, có đến 17 nước khác có chương trình phát triển điện hạt nhân đến nay vẫn kiên định lập trường, trong danh sách đó có Việt Nam. Nhiều nước công nghiệp như Mỹ, Pháp khẳng định năng lượng hạt nhân là nguồn phát điện chưa có gì có thể thay thế đối với họ trong vòng 40- 50 năm tới. Nga còn mạnh mẽ hơn khi dự kiến điện hạt nhân chiếm 45- 50% nhu cầu sử dụng của đất nước vào năm 2050 và tăng lên 70- 80% vào cuối thế kỷ này.
Ở Việt Nam sau nhiều năm rà soát đánh giá quy hoạch, kết quả cho thấy năng lượng tái tạo và chính sách tiết kiệm điện là rất cần thiết và phải được phát huy tối đa.
Tuy vậy, thực tế chứng minh không có nguồn năng lượng sạch nào khác đủ lớn và ổn định có thể thay thế cho loại nguồn công suất như điện hạt nhân, vì vậy nếu loại trừ điện hạt nhân thì chỉ còn cách quay lại phương án mua than và nhập khẩu điện lưới. Như vậy, đơn phương loại bỏ điện hạt nhân mà không đề xuất được phương án thay thế đủ thuyết phục thì đó chỉ là cách tiếp cận phi thực tế, sẽ nhanh chóng đẩy nền kinh tế xã hội của đất nước vào bế tắc và suy thoái. Vì vậy con đường phát triển phải dựa vào khoa học và lý trí, trên cơ sở tạo sự đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên trong tình hình mới rất phức tạp sau vụ Fukushima, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo rà soát các yêu cầu nâng cao an toàn hạt nhân, coi đó là ưu tiên cao nhất cho các dự án điện hạt nhân đầu tiên. Các yếu tố hiệu quả kinh tế, tiến độ dự án… đều quan trọng, nhưng không được phép đặt trên an toàn hạt nhân.
Chính vì vậy công tác thực hiện dự án tại Ninh Thuận, chương trình đào tạo nhân lực, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật v.v. đều được triển khai đồng bộ và khẩn trương, nhưng với sự đề cao thái độ thận trọng, đảm bảo tối đa yêu cầu an toàn hạt nhân.
Về mặt tiến độ chung của chương trình điện hạt nhân, ngay trong Quy hoạch 7 phát triển điện lực quốc gia do Thủ tướng ban hành năm 2011 đã có sự điều chỉnh tỉ lệ hòa mạng điện hạt nhân trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 sẽ đạt tổng công suất 10.700 MW (7,8%) thấp hơn so với dự kiến trước đó là 16.000 MW.
Quy hoạch điện 7 cũng dự báo sẽ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam gồm: phong điện là 3500 MW, địa nhiệt 200 MW và điện mặt trời khoảng 6 MW; đồng thời phấn đấu hàng năm đạt tỉ lệ tiết kiệm điện 1% đến 3%.
Mặt khác, tương ứng với tiến độ mới đã giãn của chương trình điện hạt nhân, tỉ lệ nhiệt điện than buộc phải tăng lên 46% năm 2020 và đến 56 % năm 2030. Ngoài sản lượng 25-28 triệu tấn than khai thác nội địa giành cho phát điện, tổng lượng than phải nhập thêm hàng năm cho nhiệt điện than tăng dần từ khoảng 45 triệu tấn năm 2020 lên 150 triệu tấn năm 2030.
Đây là một thử thách rất lớn đối với năng lực công nghiệp, dịch vụ và môi trường của Việt Nam.
Võ Văn Thuận