Cho đến nay, con người đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, giúp biến những chuyện tưởng như chỉ có trong khoa học viễn tưởng thành hiện thực, chẳng hạn như dùng não điều khiển tay chân cơ khí, du hành tư nhân vào vũ trụ, ...
Tay chân cơ khí
Thuật ngữ "cyborg" (sinh vật cơ khí hay nửa sinh học, nửa nhân tạo) đã được Manfred E. Clynes và Nathan S. Kline đề cập đến lần đầu tiên năm 1960 trong một bài báo của họ trên tạp chí Astronautics. Kể từ đó, người sở hữu tay chân cơ khí đã trở thành một phần không thể thiếu của nhiều tác phẩm điện ảnh khoa học viễn tưởng, chẳng hạn như bộ phim “The Six Million Dollar Man” của thập niên 70, nhân vật Borg trong loạt phim Star Trek hay nhân vật Darth Vader trong bộ phim Star Wars.
Năm 2012, lần đầu tiên trong đời thực, một phụ nữ bị bại liệt đã có thể kiểm soát được một chi giả bằng máy và dùng não điều khiển cánh tay robot này tự cho mình ăn. Các nghiên cứu tiếp theo với những động vật linh trưởng cho thấy, việc tạo ra giao diện não – máy tính giúp tay chân cơ khí thực hiện được nhiều động tác như các chi sinh học hoàn toàn khả thi. Cho tới nay, các chi cơ khí của con người vẫn chưa thể giống như xây dựng trong các bộ phim khoa học viễn tưởng vì chúng vẫn phải kết nối qua các cực điện bên ngoài hộp sọ. Tuy nhiên, dường như giấc mơ về các chi cơ khí hoạt động như tay, chân sinh học đã gần với hiện thực hơn so với cách đây 10 năm.
Truyền thông và viễn tải lượng tử
Mặc dù vẫn chưa thể “bắn tia” dịch chuyển vật thể như trong bộ phim Star Trek, các thí nghiệm mới trong năm 2012 đã ghi nhận việc chuyển các photon từ nơi này sang nơi khác ngay tức khắc. Viễn tải lượng tử từng được thực hiện trong phòng thí nghiệm, nhưng khoảng cách dịch chuyển chỉ được vài mét. Trong năm 2012, kỷ lục mới về khoảng cách viễn tải lượng tử là gần 143km. Thêm vào đó, các nhà khoa học đã xây dựng được hệ thống Internet lượng tử đầu tiên. Đây mới chỉ là khởi đầu, nhưng việc dịch chuyển các photon xa tới hàng km có thể giúp hoạt động viễn thông tránh nạn nghe trộm và bị tin tặc tấn công.
Phòng chống bệnh về gen
Việc biến đổi gen để cho ra đời những người “ưu việt hơn” là tình tiết xuất hiện nhan nhản trên phim ảnh, truyện viễn tưởng kể từ tiểu thuyết Brave New World của Aldous Huxley năm 1931, mặc dù vào thời điểm đó vẫn chưa ai biết chính xác ADN là gì. Về sau, các bộ phim như Gattaca và tiểu thuyết như Beggars ở Tây Ban Nha đã đưa vào nhiều tình tiết của hoạt động biến đổi gen phổ biến hơn. Năm 2012, chúng ta đã chứng kiến sự hiện thực hóa ý tưởng chống các bệnh thiếu men ty lạp thể. Trung bình, cứ 200 người thì có 1 người sinh ra với rối loạn về ty lạp thể – “nhà máy năng lượng” của tế bào. Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã có thể chuyển hạt nhân ADN của một tế bào trứng người cho tế bào trứng khác. Hai nhóm nghiên cứu độc lập đã tìm được cách cấy ghép hạt nhân giữa các tế bào trứng người, để lại ty lạp thể ADN, truyền nó từ mẹ sang con. Phát hiện trên đồng nghĩa với việc, các rối loạn về ty lạp thể có thể được chữa khỏi trước khi một đứa trẻ được sinh ra. Những kỹ thuật như vậy sẽ không giúp chữa trị các bệnh liên quan đến hạt nhân ADN như hội chứng Down, nhưng nó cho thấy, một số thao túng hệ gen của con người không phải là bất khả thi mà sắp thành hiện thực.
Máy dịch phổ thông
Trong truyện phim viễn tưởng, hầu hết các cuộc tiếp xúc giữa các nhà thám hiểm dũng cảm của chúng ta với người ngoài hành tinh đều diễn ra suôn sẻ vì những sinh vật ngoài Trái đất này dường như luôn nói tiếng Anh. Chẳng hạn như, máy thời gian TARDIS trong phim Doctor Who luôn tạo ra một trường giúp thông dịch giao tiếp cho những người du hành, trong khi phi hành đoàn của tàu con thoi không gian Enterprise không bao giờ cần đến từ điển. Mặc dù không thể cho phép bạn nói chuyện với người ngoài hành tinh nhưng trong năm vừa qua, nhiều máy dịch ngôn ngữ đã trở thành đồ dùng thiết yếu của vô số người, kể cả loại sử dụng giọng nói của chính chủ nhân. Phần lớn các ứng dụng này đòi hỏi phải kết nối Internet, trong khi số khác chẳng hạn như Jibbigo, có thể lưu trữ sẵn nhiều từ điển.
Các chuyến bay tư nhân vào không gian
Trong nhiều câu chuyện khoa học viễn tưởng, việc du hành vào không gian mang tính riêng tư. Trong bộ phim Prometheus mới nhất của đạo diễn Ridley Scott, tập đoàn Weyland đã tài trợ cho một cuộc thám hiểm theo một bản đồ sao tới mặt trăng xa xôi LV-223. Trong đời thực, công ty hàng không vũ trụ tư nhân Mỹ SpaceX của Elon Musk đã xúc tiến cuộc hành trình đầu tiên trong hơn 10 sứ mệnh dự kiến tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Tàu vũ trụ Dragon của SpaceX được thiết kế để tiếp tế cho ISS, nhưng ông Musk còn ấp ủ những kế hoạch lớn hơn: một cuộc chinh phục sao Hỏa. Liệu 2013 có trở thành năm để các chuyến bay vào không gian tư nhân trở thành một hoạt động giao thông phổ biến như các chuyến tàu hỏa trên Trái đất? Chúng ta hiện vẫn chưa biết câu trả lời, nhưng công ty SpaceX đã bắt tay thực hiện tham vọng đó.
Tuấn Anh