Động đất có thể biến nước thành vàng, theo nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland (Australia).
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc trường đại học Queensland phát hiện thấy rằng vàng được hình thành cách đây hàng tỷ năm trong các mạch thạch anh thường tồn tại dọc các đoạn đứt gãy địa chất.
Nghiên cứu mới đã phát hiện thấy vàng có thể được tạo ra sau động đất. |
Một trận động đất có thể làm đảo lộn đất đá trong các đoạn đứt gãy địa chất. Những thay đổi áp lực do động đất tạo ra có thể làm nước bốc hơi và hình thành các dòng suối ngầm giàu khoáng chất.
Trong khi đó,các nhà địa chất học từ lâu đã biết được rằng vàng được hình thành từ các hệ thống nước ngầm giàu khoáng chất này.
Nhà địa vật lý học Dion Weatherley, người đứng đầu nghiên cứu cho biết có thể xác định được mối quan hệ giữa vàng và các mạch thạch anh được phát hiện trong nhiều mỏ vàng trên thế giới, sau khi sử dụng một mô hình trên máy tính.
“Trong một trận động đất, đoạn đứt gãy địa chất bất ngờ mở rộng hơn. Điều này giống như việc mở vung của nồi áp suất. Nước dưới các đoạn đứt gãy sẽ bốc hơi, khiến hợp chất silic hình thành thạch anh và sau đó dần dần chuyển thành vàng gần trên bề mặt”, tiến sĩ Richard Henley, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.
Tiến sĩ Weatherley cho biết số lượng vàng hình thành sau một trận động đất rất nhỏ. Tuy nhiên, khu vực hay xảy ra động đất như vùng Alpine Fault của New Zealand có thể hình thành một mỏ vàng trong vòng 100.000 năm.
Hà Hương (Theo Science World)