- Các nước ở vùng Đông, Nam Á đi trước trong sở hữu nhà máy điện hạt nhân bao gồm: Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan. Với mỗi nước, sự tác động của sự cố Fukushima lên nền công nghiệp hạt nhân ở những mức độ khác nhau.

Các tin liên quan

Điện hạt nhân Đông Nam Á hậu Fukushima


{keywords}
Một nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc.

Nặng nề nhất, dĩ nhiên, là với Nhật Bản. Nước Nhật, anh cả của nền công nghiệp điện hạt nhân ở vùng châu Á, là nạn nhân chính của thảm họa hạt nhân xẩy ra ngay trên đất nước mình. Và do đó, hậu quả đến với quốc gia này là ngoại lệ, khác với các nước khác trong vùng.

Trước đây, ở Nhật Bản, 54 lò phản ứng hạt nhân đã đóng góp đến 30% tổng công suất điện quốc gia. Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉ lệ đó sẽ tăng lên 50%. Bây giờ, 2 năm sau sự cố Fukushima, chỉ mới có 2 lò trong số trên 50 lò năng lượng được tái khởi động.

Nhiều câu hỏi đã và đang đặt ra và trở thành đề tài tranh luận kéo dài ở nước này. Liệu bao nhiêu lò năng lượng trong số khoàng 50 lò đang đóng cửa hiện nay sẽ được “hồi sinh”, bao nhiêu lò mới sẽ được tiếp tục xây dựng, tuổi thọ của các lò phản ứng sẽ kéo dài bao nhiêu năm, hạn chót nào để “loại bỏ” (phase-out) điện hạt nhân…?

Dù chính phủ của đảng Dân chủ -Tự do Nhật hiện nay đang rất cố gắng vực dậy nền công nghiệp điện hạt nhân, nhưng các dự báo đều cho rằng sản lượng điện hạt nhân Nhật Bản trong nhiều năm nữa vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với trước ngày 3/11/2011.

Số phận của nền công nghiệp hạt nhân Nhật Bản, rõ ràng đang đứng trước một tương lai đầy bấp bênh.

Trung Quốc có một chương trình điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Hiện nay, 15 lò vẫn phát điện, 26 lò đang xây dựng và 51 lò khác nằm trong kế hoạch xây mới.

Khi sự cố Fukushima xảy ra, nước này có quyết định tạm dừng phê duyệt các dự án điện hạt nhân mới để chờ soạn thảo quy phạm an toàn hạt nhân mới, đồng thời yêu cầu kiểm tra các lò phản ứng dù đang vận hành, đang xây dựng hoặc vừa được phê duyệt.

Tình hình hiện nay đã chứng tỏ sự cố Fukushima không có tác động quá lớn đối với tiến độ của chương trình phát triển điện hạt nhân lâu dài của mình.

Ấn Độ hiện có 20 lò năng lượng phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động tại 6 nhà máy điện hạt nhân, 7 lò khác đang được xây dựng và 18 lò trong kế hoạch xây tiếp.

Điều đáng chú ý là từ sau sự kiện Fukushima, làn sóng chống xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở nước này có phần gia tăng, đặc biệt dân chúng xung quanh các địa điểm xây dựng các nhà máy này.

Tình hình trên có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình điện hạt nhân, mặc dù chưa xuất hiện các yếu tố có thể làm đảo lộn xu hướng hạt nhân hóa ngành điện năng vốn đã có lịch sử lâu dài gắn liền với tên tuổi nổi tiếng của nhà khoa học lớn Bhabha, “người cha của ngành năng lượng nguyên tử” Ấn Độ.

Hàn Quốc vẫn có 23 lò năng lượng sản xuất khoảng 30% điện năng của đất nước, và có kế hoạch tăng tỉ lệ này lên đến 60% vào năm 2035. 11 lò mới dự kiến sẽ đi vào vận hành trong khoảng những năm 2012 - 2021.

Đặc biệt, nước này đang tích cực xúc tiến xuất khẩu công nghệ hạt nhân với mục tiêu đầy tham vọng bán 80 lò phản ứng cho các nước Jordan,UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và Malaysia từ nay đến năm 2030.

Đài Loan đang có 6 lò năng lượng đang vận hành và 2 lò thuộc thế hệ tiên tiến đang được xây dựng.

Nhưng ở xứ sở này, từ tháng 3/2011 chương trình điện hạt nhân trở thành vấn đề gây tranh cãi và đứng trước áp lực lớn của người biểu tình. Và điều đáng chú ý, chính quyền Đài Loan đã chấp nhận yêu cầu của người biểu tình và dự kiến đóng cửa 2 lò vào cuối năm 2016.

Sự kiện đó chứng tỏ, tương lai điện hạt nhân ở Đài Loan đang bị đe dọa. 

(Còn nữa)

Trần Minh