Ngày 29/3, trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học Thụy Sỹ khẳng định việc trẻ chậm biết đi không hề ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ hay thói quen của bé sau này.

Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng rằng việc con mình chậm biết đi có thể cũng sẽ chậm phát triển trí tuệ hơn các bạn cùng lứa. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm nhà khoa học đứng đầu là tiến sĩ, bác sĩ Oskar Jenni thuộc Bệnh viện Nhi Zurich và một nhóm khác do giáo sư Valentin Rousson thuộc đại học tổng hợp Lausanne đứng đầu, cho thấy những lo lắng trên hoàn toàn không có cơ sở.

{keywords}
Trẻ chậm biết đi hoàn toàn không ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ. Ảnh minh họa.

Hai nhóm khoa học trên đã theo dõi sự phát triển của 700 trẻ em sinh từ năm 1978 đến năm 1993. Các nhà khoa học đặc biệt tập trung nghiên cứu quá trình phát triển của 222 trẻ (gồm 103 bé gái và 119 bé trai) từ lúc mới ra đời. Trong hai năm đầu tiên, các bé đã được các nhà khoa học kiểm tra ít nhất bảy lần. Đến tuổi đi học, các em lại được kiểm tra về khả năng vận động và phát triển trí tuệ khoảng 2 đến 3 năm/lần.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các bé biết ngồi trong khoảng từ 4 - 13 tháng tuổi, và trung bình là khoảng 6,5 tháng tuổi. Bước đi đầu tiên của bé diễn ra trong giai đoạn từ 8,5 đến 20 tháng tuổi, và nhiều trẻ biết đi khi được khoảng 12 tháng tuổi.

Các nhà khoa học khẳng định không hề có mối liên hệ nào giữa giai đoạn trẻ bắt đầu chập chững tập đi với các kết quả kiểm tra về vận động và trí tuệ thu được khi trẻ ở độ tuổi từ 7 đến 18 tuổi. Nói cách khác, đứa trẻ chậm biết đi cũng thông minh và khéo léo như các bạn cùng lứa tuổi mà biết đi từ rất sớm.

Tiến sĩ, bác sĩ Jenni khuyên các bậc cha mẹ không nên lo lắng nếu con họ bắt đầu chập chững biết đi trong giai đoạn từ 16 đến 18 tháng tuổi, song ông khẳng định rằng nếu sau 20 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa tự đi một mình được thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Theo Tin tức