Các nhà hóa học nhận thấy chất isopren do cây tiết ra có thể phản ứng với khí thải của xe cộ đi lại trên đường phố tạo ra một loại sương mù có hại. Do đó nếu trồng nhiều cây xanh trong thành phố sẽ làm tăng mức độ ô nhiễm bầu không khí đô thị.

Kết quả nghiên cứu này do các nhà khoa học Mỹ tại Trường ĐH Bắc Carolina thực hiện và công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

{keywords} 

Isopren là một hoá chất dễ bay hơi, thoát ra một lượng lớn từ các cây trồng. Nó giúp cho lá cây tránh được cái nắng gay gắt. Từ lâu người ta đã biết, isopren tham gia vào sự hình thành các aerosol hữu cơ thứ cấp (secondary organic aerosol, viết tắt là SOA) là các hạt chất lỏng cực nhỏ trong sương mù – nhưng chưa hiểu rõ cơ chế của quá trình này.

Các tác giả đã chứng minh isopren rất dễ phản ứng với các oxit nitơ (NO và NO2), để hình thành axit 2-methyloxiran-2-cacboxylic. Chất này là tiền thân của các hạt và SOA. Đi vào phổi chúng ta sẽ tích tụ lại, gây ra bệnh hen suyễn và ung thư đường hô hấp.

Các oxit nitơ có trong khí thải xe cộ và khí thải nhà máy sẽ tương tác với isopren nồng độ cao, tạo thành một loại sương mù thành phố tác động xấu đối với sức khoẻ. Phân tích các mẫu không khí tại thành phố Mỹ Chapel Hill cho thấy hàm lượng của chất gây ô nhiễm phụ thuộc trực tiếp vào nồng độ của isopren, từ cây xanh thoát ra.

"Tuy cây chỉ là một trong hai nguồn kết hợp với nhau để tạo ra chất ô nhiễm nhưng chúng tôi không đề xuất chặt cây trong thành phố mà nhằm vào thành phần kia đó là khí thải nhà máy và xe cộ”, ông Jason Surrat, một trong những tác giả của bài báo cho biết.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện của họ sẽ giúp dự đoán tốt hơn mức độ ô nhiễm không khí, tùy thuộc vào loại cảnh quan và các oxit nitơ trong khí quyển.

Bảo Châu (Theo infox.ru)