Thiếu ngủ là một "thủ phạm" giấu mặt làm giảm thành tích học tập của trẻ ở độ tuổi tới trường, theo các nhà nghiên cứu giáo dục khắp thế giới.

>Thiếu ngủ có thể khiến bạn bị "tẩy não"

>Thiếu ngủ làm não trì trệ không trừ ai

{keywords}
Tỉ lệ học sinh ở độ tuổi 9 - 10 trong lớp học bị thiếu ngủ, theo khảo sát ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Ảnh: BBC

Vấn đề trên đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia giàu có hơn. Do đó, các chuyên gia quy sự thiếu ngủ do việc sử dụng điện thoại di động và máy tính muộn vào ban đêm trong phòng ngủ.

Các nhà nghiên cứu đến từ trường Cao đẳng Boston phát hiện, tình trạng thiếu ngủ gây hậu quả tiêu cực đến mức các tiết học trên lớp phải được điều chỉnh rút bớt nội dung và mức độ khó mới phù hợp với những học sinh không ngủ đủ giấc.

Kết quả nghiên cứu đối chiếu ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cho thấy, Mỹ là nước có tỉ lệ học sinh thiếu ngủ cao nhất, với 73% trẻ 9 - 10 tuổi và lên tới 80% ở trẻ 13 - 14 tuổi, theo nhận diện của các giáo viên.

Tính trung bình trên toàn thế giới, tỉ lệ thiếu ngủ ở học sinh trong độ tuổi 9 - 10 tuổi là 46,5%.

Nhóm các quốc gia có nhiều trẻ trong độ tuổi đi học bị thiếu ngủ nhất còn bao gồm cả New Zealand, Arập Xêút, Australia, Anh, Ireland, Pháp và Phần Lan.

Ngược lại, các nước trong tốp có ít học sinh thiếu ngủ nhất gồm có Azerbaijan, Kazakhstan, Bồ Đào Nha, CH Séc, Nhật Bản và Malta.

Nghiên cứu phân tích trên là một phần trong quá trình thu thập dữ liệu quy mô lớn nhằm phục vụ các hoạt động xếp hạng giáo dục toàn cầu như "Khuynh hướng học toán và khoa học quốc tế" (TIMSS) và "Nghiên cứu về sự tiến triển biết đọc, biết viết quốc tế" (PIRLS). Đây là 2 trong số những thước đo tiêu chuẩn giáo dục lớn nhất thế giới, dựa vào các bài kiểm tra đối với hơn 900.000 học sinh tiểu học và trung học khắp thế giới.

Các kết quả xếp hạng của TIMSS và PIRLS đã được công bố hồi cuối năm ngoái, trong đó các hệ thống giáo dục của châu Á chiếm vị trị đầu bảng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn muốn tìm hiểu thêm về tác động của cuộc sống gia đình. Do đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của mức độ giàu có/nghèo khó của gia đình nên các nhà khoa học thuộc Cao đẳng Boston muốn kiểm tra những yếu tố khác như giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng của trẻ.

Chad Minnich, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu TIMSS và PIRLS quốc tế, nhận định: "Chúng ta luôn đánh giá thấp ảnh hưởng của giấc ngủ. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, ở khắp các nước trên thế giới, trẻ em được ngủ nhiều hơn mới có thành tích cao hơn về toán, khoa học và kiểm tra đọc, viết. Mối liên quan tương tự cũng xuất hiện ở những trẻ thiếu dinh dưỡng cơ bản".

Tuấn Anh (Theo BBC)