Người ta nói nhiều về testosterone và tác dụng của nó đối với "chuyện ấy" của phái mạnh. Thế nhưng, ít ai hiểu rõ và biết rằng, hoóc môn giới tính này còn đóng nhiều vai trò quan trọng khác trong cơ thể nam giới cũng như sẽ suy giảm theo tuổi tác.

Ở loài người, testosterone đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các mô sinh sản của nam như tinh hoàn và tuyến tiền liệt, cũng như thúc đẩy các đặc tính sinh dục phụ như làm tăng cơ bắp, xương và sự phát triển tóc. Tuy nhiên, hoóc môn này không phải yếu tố duy nhất giúp “giữ lửa” ham muốn và khả năng tình dục của cánh mày râu.

{keywords} 

Dưới đây là một số thông tin thiết thực nhưng dễ bị hiểu lầm về testosterone, theo thống kê của các chuyên gia:

Ham muốn "yêu" giảm không hẳn do mức testosterone thấp: Thông thường, ham muốn "chuyện ấy" và khả năng cương cứng của "cậu nhỏ" sẽ suy giảm theo tuổi tác. Tuy nhiên, có rất ít hoặc chẳng có chút ham muốn "yêu" nào có thể là một dấu hiệu cho thấy quý ông có mức testosterone thấp. Ước tính có khoảng 2 - 6 triệu đàn ông ở Mỹ lâm vào tình trạng này. Do các triệu chứng của việc sở hữu lượng hoóc môn sinh dục thấp không rõ ràng và vì đàn ông hiếm khi tiết lộ các triệu chứng của họ cho bác sĩ nên con số nam giới có mức testosterone thấp trong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Mức testosterone thấp không phải là biểu hiện của lão hóa: Sự suy giảm lượng testosterone thường đi kèm với quá trình lão hóa. Những nam giới được coi là có mức testosterone thấp khi sở hữu lượng hoóc môn này thấp hơn mức bình thường dành cho lứa tuổi của họ. Tuy nhiên, nó không phải là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Mức testosterone thấp có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bạn, nhưng tình trạng này có thể chữa trị được.

Bắt đầu từ tuổi 40, mức testosterone của một người đàn ông bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm: Sự suy giảm này là hiện tượng bình thường khi nam giới già đi. Những người đàn ông có lượng testosterone trong cơ thể thấp hơn mức bình thường có thể không biểu hiện triệu chứng. Khi phát hiện tình trạng này, họ có thể được chữa trị bằng liệu pháp bổ sung testosterone.

Các dấu hiệu có mức testosterone thấp: Mức testosterone thấp có thể làm thay đổi một số đặc điểm nam tính điển hình ở phái mạnh. Ngực bị đau hoặc phát triển lớn hơn có thể hé lộ lượng testosterone sụt giảm ở "khổ chủ". Các dấu hiệu khác bao gồm tình trạng rụng lông trên cơ thể và râu, tóc ít phải cạo hơn. Ngoài ra, các tinh hoàn có thể nhỏ đi khi lượng testosterone thấp và người nam giới có thể cảm thấy khó khăn trong việc cương cứng hoặc duy trì trạng thái hùng dũng khi lâm trận cho "cậu nhỏ".  "Bốc hỏa" cũng là triệu chứng thường thấy nhất ở những người đàn ông có lượng testosterone cực thấp.

{keywords} 

Xác định mức testosterone trong cơ thể nhờ xét nghiệm máu: Nhiều nam giới sở hữu mức testosterone thấp không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ xét nghiệm máu có thể hé lộ chính xác mức testosterone của đối tượng. Hiệp hội nội tiết coi mức testosterone 300 - 1.200 nanogram/decilit (ng/dL) là bình thường và thấp hơn ngưỡng 300 ng/dL là thấp. Các bác sĩ thường sử dụng kết quả xét nghiệm máu và một số triệu chứng khác để chẩn đoán và xác định liệu một người đàn ông có cần phải chữa trị tình trạng suy giảm hoóc sinh dục hay không.

Ai nên cân nhắc xét nghiệm kiểm tra mức testosterone: Nếu người đàn ông khỏe mạnh và không có triệu chứng sở hữu mức testosterone thấp, anh ta không cần thiết phải đi xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông bị bệnh tiểu đường tuýp 2 có mức testosterone thấp. Vì vậy, nếu mắc bệnh, bạn cần phải tham vấn bác sĩ về việc có nên đi xét nghiệm hay không. Những nam giới vô sinh, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc chứng loãng xương hay gãy xương do chấn thương cũng nên đi kiểm tra mức testosterone.

Mức testosterone thấp có thể gây giòn xương: Testosterone không chỉ liên quan đến khả năng chăn gối của các quý ông. Hoóc môn môn này còn có vai trò giúp hình thành xương, nên sở hữu mức testosterone thấp có thể dẫn tới tình trạng xương giòn, dễ gẫy và chứng loãng xương. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, testosterone cũng tham gia vào quá trình duy trì cơ bắp khỏe mạnh, hỗ trợ sản sinh các tế bào hồng cầu, cải thiện tâm trạng và suy nghĩ. Do vậy, lượng testosterone sụt giảm có thể gây bệnh thiếu máu, phiền muộn và khó tập trung.

Lượng testosterone thấp không nhất thiết gây hói: Từ tuổi dậy thì, testosterone bắt đầu ảnh hưởng tới quá trình mọc râu, lông và tóc trên cơ thể của nam giới. Tuy nhiên, tác động này không như nhau ở tất cả các khu vực trên cơ thể. Lượng testosterone thấp có thể khiến người đàn ông mất bớt lông và tóc, nhưng tình trạng này không gây chứng hói đầu thông thường ở phái mạnh. "Thủ phạm" khiến các quý ông hói đầu chủ yếu là do gen.

Nguy cơ béo phì vì có mức testosterone thấp trong máu: Nghiên cứu chỉ ra rằng, gần 40% đàn ông béo phì, trên 45 tuổi có lượng testosterone trong máu thấp. Và khoảng 50% đàn ông béo phì và bị bệnh tiểu đường cũng có mức testosterone thấp. Tình trạng này còn có thể xuất hiện ở những nam giới mắc hội chứng chuyển hóa, tức là có 3 trong số 5 yếu tố nguy cơ sau: cao huyết áp, nồng độ đường trong máu cao, chỉ số triglyceride cao, lượng cholesterol không có lợi cho sức khỏe và béo bụng.

Cách chữa trị lượng testosterone thấp: Liệu pháp thay thế/bổ sung testosterone đã được ứng dụng kể từ những năm 1940. Việc tiêm testosterone, thường được tiến hành đều đặn sau vài tuần là một trong những cách kinh điển để tăng lượng hoóc môn sinh dục nam. Các loại gel bổ sung testosterone hiện rất phổ biến ở Mỹ. Chúng được dùng để bôi hàng ngày lên vai, bụng và phần trên cánh tay của đối tượng. Mục tiêu chúng của quá trình điều trị là nhằm tăng mức testosterone chỉ đến mức giữa ngưỡng bình thường, khoảng 400-700 ng/dL. Các biện pháp khác là sử dụng miếng dán testosterone và thuốc uống bổ sung.

{keywords} 

Tăng lượng testosterone không giúp cải thiện chứng rối loạn cương dương: Sở hữu mức testosterone thấp có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương (ED). Liệu pháp bổ sung testosterone có thể giúp chữa trị tình trạng này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chữa trị testosterone không giúp cải thiện các triệu chứng ED vì bệnh có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác. Chẳng hạn như, các bệnh về thần kinh và tế bào máu cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng cương cứng của "cậu nhỏ" và gây bệnh ED. Do đó, nếu mắc chứng ED, hãy tham vấn bác sĩ của bạn.

Uống thuốc ảnh hưởng tới mức testosterone: Finasertide, loại dược phẩm được dùng để chữa trị chứng hói kiểu nam giới, có thể tăng lượng testosterone trong máu. Trong khi đó, các loại dược phẩm khác có thể làm giảm lượng hoóc môn sinh dục này, chẳng hạn như các loại corticosteroid (như prednisone chữa chứng viêm sưng) và narcotic tác dụng dài lâu (như oxycodone và morphine). Các loại thuốc dùng để chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển cũng làm suy giảm lượng testosterone.

Trị liệu bổ sung testosterone có thể khiến một số bệnh thêm trầm trọng: Đây là một tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như đối với chứng ngưng thở khi ngủ. Liệu pháp trị liệu bổ sung testosterone do đó không được khuyến khích sử dụng đối với những nam giới mắc chứng ngưng thở khi ngủ trầm trọng, trương phình u tuyến tiền liệt nặng hoặc nhiễm trùng đường tiểu phía dưới. Các căn bệnh khác không nên được chữa trị đồng thời với liệu pháp bổ sung testosterone là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú ở nam giới và suy tim xung huyết ít hoặc không được kiểm soát.

Rượu cồn có thể làm giảm lượng testosterone: Rượu cồn có hại trực tiếp tới các tinh hoàn - cơ quan sản sinh testosterone. Nó dường như cũng ảnh hưởng tới việc giải phóng các hoóc môn khác có liên quan đến chức năng tình dục và khả năng sinh sản của quý ông. Ngoài việc suy giảm ham muốn "yêu" và khả năng "lâm trận", tinh hoàn co rút là một dấu hiệu phổ biến của tình trạng testosterone thấp ở những nam giới nghiện rượu và bị bệnh gan.

Tuấn Anh (theo Webmd)