Các thông tin mới nhất khẳng định, hai người đàn ông từng nhiễm virus HIV và được cấy ghép tủy xương cách đây vài năm, hiện trong cơ thể không thấy tồn tại HIV dù đã ngưng dùng thuốc kháng retrovirus. Điều này mở ra triển vọng về một phương pháp mới, giúp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả căn bệnh thế kỷ AIDS.


{keywords}
Sau khi được cấy ghép tủy xương để chữa bệnh ung thư máu, hai người đàn ông ở Boston, Mỹ đã bất ngờ thoát khỏi virus HIV mang trong mình gần 30 năm. Ảnh minh họa: Corbis

Năm ngoái, các nhà khoa học từng công bố một thông tin gây sốc: hai người đàn ông ở Boston, Mỹ từng nhiễm HIV trong khoảng 30 năm và được cấy ghép tủy xương để chữa bệnh ung thư máu cách đây vài năm, dường như không còn mang trong mình mầm bệnh chết người. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ vẫn phải uống thuốc kháng retrovirus thường xuyên.

Các bác sĩ người Mỹ điều trị cho hai bệnh nhân trên giải thích, việc dùng thuốc sẽ giúp các nguồn cung tế bào máu mới, khỏe mạnh của họ tránh bị nhiễm HIV. Các tế bào cũ, bị bệnh của họ sau đó sẽ được thay thế bằng các tế bào mới.

Một trong hai người đàn ông này hiện đã ngưng dùng thuốc kháng HIV được 4 tháng và người kia làm điều tương tự cách đây 7 tuần. Kết quả kiểm tra máu mới nhất cho thấy, cả hai hiện không còn dấu hiệu nhiễm HIV.

Theo các chuyên gia, hiện còn quá sớm để khẳng định họ đã được "chữa khỏi", nhưng virus gây bệnh AIDS cũng không có biểu hiện quay trở lại tấn công 2 bệnh nhân này. Thông thường, người ta chỉ có thể kiểm soát được bệnh bằng liệu pháp chữa trị kéo dài cả đời.

Tại hội nghị mới đây của Hiệp hội bệnh AIDS quốc tế ở Malaysia, các chuyên gia xác định, việc tìm ra lí do tại sao phẫu thuật cấy ghép tủy xương lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy có thể dẫn đến các phương pháp chữa trị mới cho 34 triệu bệnh nhân đang mắc căn bệnh thế kỷ.

Timothy Henrich, chuyên gia đến từ Bệnh viện Phụ nữ ở Boston (Mỹ), cho biết, hai người đàn ông nói trên "đang phục hồi tốt", nhưng cảnh báo: "Mặc dù các kết quả thu được rất thú vị nhưng chúng vẫn chưa chỉ rõ họ đã được chữa khỏi bệnh. Chỉ có thời gian mới trả lời chính xác sự việc".

Một khả năng xảy ra là, virus HIV đang "lẩn trốn" ở phần nào đó khác trong cơ thể, chẳng hạn như gan hay bộ não của 2 bệnh nhân nam, và có thể tái xuất hiện trong tương lai gần.

Tiến sĩ Michael Brady thuộc Quỹ Terrence Higgins nhấn mạnh thêm rằng, phẫu thuật cấy ghép tủy xương vô cùng phức tạp và đắt tiền cũng như có thể nguy hiểm hơn nhiều so với việc uống thuốc hàng ngày. Dẫu vậy, nó vẫn mang tới niềm tin và hy vọng cho các nhà khoa học hướng nghiên cứu mới về một hướng điều trị HIV hiệu quả.

Người đầu tiên trên thế giới được xác nhận đã thoát khỏi HIV là anh Timothy Ray Brown, quốc tịch Mỹ, người đã trải qua phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc nhằm điều trị bệnh bạch cầu năm 2007. Các bác sĩ người Đức chính thức thông báo anh đã được chữa khỏi 2 năm sau đó.

Các bác sĩ chữa trị cho Brown tiết lộ, họ đã sử dụng những tế bào gốc từ một người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp, có khả năng kháng HIV. Cho tới nay, chưa có trường hợp bệnh nhân nào sử dụng tế bào hiến tặng bình thường thoát khỏi virus gây bệnh AIDS như 2 bệnh nhân ở Boston.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)