Hơn 30 triệu bé gái trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của hủ tục cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ (FGM) trong thập kỷ tới, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).
Tục cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ (FGM) hiện vẫn tồn tại ở một số cộng đồng tại châu Phi, Trung Đông và châu Á. Ảnh: Word Press |
Báo cáo mới công bố của UNICEF cho hay, hơn 125 triệu bé gái và phụ nữ trưởng thành còn sống hiện nay đã trải qua quá trình FGM. Đây là hình thức cắt bỏ bộ phận sinh dục phía ngoài của người phụ nữ, khiến họ không còn khoái cảm khi quan hệ tình dục.
Tục lệ này có nguồn gốc rất lâu đời từ các bộ lạc châu Phi, mục đích là khiến người phụ nữ không còn ham muốn về mặt tình dục dẫn đến các mối quan hệ ngoài hôn nhân, ép họ vào khuôn khổ của chăm sóc gia đình và phục vụ người chồng.
Ngày nay, tục cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ vẫn tồn tại ở một số cộng đồng tại châu Phi, Trung Đông và châu Á với niềm tin rằng nó sẽ giúp bảo vệ trinh tiết của người phụ nữ. Tuy nhiên, kết quả phân tích các dữ liệu UNICEF thu thập được trong 20 năm ở 29 nước châu Phi và Trung Đông vẫn còn FMG hé lộ, số bé gái trở thành nạn nhân của hủ tục này đã giảm so với cách đây 30 năm.
Trong đó, tỉ lệ các bé gái bị cắt xẻo "cửa mình" đã giảm 3 lần ở Kenya và Tanzania, gần một nửa ở Benin, CH Trung Phi, Iraq, Liberia và Nigeria. Dẫu vậy, tục FGM vẫn rất phổ biến ở Somalia, Guinea, Djibouti và Ai Cập, đồng thời không giảm rõ rệt ở Chad, Gambia, Mali, Senegal, Sudan hay Yemen.
Dẫu vậy, theo đại diện nhóm khảo sát của UNICEF, đa phần các bé gái và phụ nữ trưởng thành cũng như một bộ phận đông đảo phái mạnh phản đối việc tiến hành FGM.
"Thách thức hiện nay là để mọi người lên tiếng công khai và tuyên bố đanh thép hơn rằng họ muốn loại bỏ hủ tục xấu xa này", Phó giám đốc điều hành UNICEF Geeta Rao Gupta nhấn mạnh.
Bà Gupta cho rằng, khi trong công luận ngày có thêm nhiều tiếng nói phản đối tục cắt xẻo cơ quan sinh dục của nữ giới, điều đó sẽ góp phần dẫn tới sự thay đổi quan niệm xã hội, và rốt cuộc có thể là việc từ bỏ FGM.
Quá trình cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ (FGM) thực chất là một phẫu thuật vô cùng đau đớn, dễ gây nhiễm trùng, các vấn đề về tiết niệu cũng như dẫn đến nguy cơ vô sinh và tử vong cao. Vết thương để lại không chỉ trong thời gian ngắn sau đó, mà sẽ đeo đẳng người phụ nữ suốt cuộc đời. Khi sinh nở, họ sẽ phải chịu nỗi đau đớn hơn rất nhiều lần so với những phụ nữ bình thường khác do vết khâu từ lúc tiến hành phẫu thuật FGM sẽ rách trở lại. Những đứa con do họ sinh ra cũng đối mặt với nguy cơ tử vong lúc chào đời cao hơn.
Các chuyên gia nhận định, hủ tục FGM còn gây ra những hậu quả khôn lường khác về mặt xã hội, chẳng hạn như khiến người phụ nữ thường cảm thấy mình không hoàn hảo, mất cân bằng về mặt tâm sinh lý, thất vọng trong cuộc sống gia đình dẫn đến buồn chán, lẩn tránh các hoạt động xã hội, sống lãnh cảm và cam chịu. |
Tuấn Anh (theo BBC, Webmd)