- Mặc dù các cơ quan quản lý đã rất tích cực vào cuộc, rất nhiều các biện pháp đã được áp dụng, song ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường nước nói riêng tại các làng nghề Hà Nội trong những năm qua vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Trong khi các nhà chức trách cho rằng, ý thức của người dân còn quá kém thì những người dân lại khẳng định rằng, các biện pháp xử lý của chính quyền sở tại còn bất cập. Vậy đâu mới là kết thúc của câu chuyện luẩn quẩn này?

Người dân ‘vô cảm’ với ô nhiễm

Biết chúng tôi là nhà báo, anh Vinh một hộ dân làm bún tại làng bún truyền thống Phú Đô, xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm không muốn tiếp chuyện và luôn miệng khẳng định rằng, nước thải từ việc làm bún từ gia đình anh không thể nào gây ô nhiễm được. “Chúng tôi toàn dùng nước sạch với nước vo gạo thì có gì mà ô với nhiễm!”, anh Vinh nói.

{keywords}
Đoạn sông phía sau một làng nghề nằm sát trung tâm Hà Nội nước luôn có đen kịt và bốc mùi hôi thối. Ảnh: L.V

Khác với trường hợp của anh Vinh, vợ chồng ông Khánh, chủ cơ sở tái chế nhựa phế liệu tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì lại rơi vào tình trạng “biết là độc hại nhưng vẫn phải làm”. Ông Khánh nói rằng, cũng biết là trong khi sơ chế, xay xát nhựa sẽ tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại, rồi việc xả thẳng nước thải trong quá trình sản xuất vào cống nước thải chung sẽ gây ô nhiễm nhưng ông bà “cũng không biết làm gì khác ngoài nghề ‘truyền thống’ này để mưu sinh”.

Mặc dù quan niệm của anh Vinh và vợ chồng ông Khánh rất khác nhau. Song, họ đều có một điểm chung, đó là sự thờ ơ với sức khỏe bản thân cũng như môi trường xung quanh.

Bản thân anh Vinh cũng như nhiều người dân làng bún Phú Đô không biết rằng, chính những chất hữu cơ dễ phân hủy trong quá trình sản xuất bún của những người dân làng nghề đã giết chết các ao, hồ thậm chí cả những con sông chảy qua làng mình. Trong khi đó, vợ chồng ông Khánh thì bất chấp những nguy cơ độc hại đối với sức khỏe và khả năng gây ô nhiễm môi trường dù rằng mỗi kg nhựa xay thành phẩm, ông bà chỉ lãi được vài nghìn đồng.

Sự vô cảm bắt nguồn từ ý thức còn rất kém của người dân làng nghề là một trong những nguyên nhân khiến việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề gặp rất nhiều khó khăn.

GS Đặng Kim Chi, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, người đã hơn 30 năm nay gắn bó với môi trường làng nghề cho biết, trong những năm qua, mặc dù rất nhiều mô hình xử lý nước thải đã được áp dụng với quy mô hộ sản xuất hay cụm hộ sản xuất gần nhau với mục đích nhân rộng, song tính bền vững của các mô hình này không cao.

GS Chi cho biết, người dân làng nghề rất ít hưởng ứng và tiếp nhận các mô hình mẫu nếu không được hỗ trợ kinh phí đầu tư và kinh phí vận hành. GS Chi kể, tại nhiều cơ sở sản xuất, sau khi bà và các đồng nghiệp về làm mẫu xong thì chủ cơ sở nhất định không chạy vì sợ tốn một tháng vài trăm ngàn tiền điện trong khi các nhà khác vẫn xả nước thải bình thường mà “chẳng ai phạt”.

"Không phải mô hình nào sau khi rút đi cũng có thể tiếp tục vận hành, hoặc vận hành đạt tiêu chuẩn môi trường”, GS Chi cho hay.

Bất cập cụm công nghiệp làng nghề

{keywords}
GS Đặng Kim Chi cho rằng, ý thức người dân ảnh hưởng rất lớn tới việc khắc phục ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề. 

Trong khi sự thờ ơ của người dân khiến việc áp dụng các biện pháp xử lý nước thải tại làng nghề gặp khó khăn thì chủ trương xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề (CCN) nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư cũng đang xuất hiện nhiều bất cập.

Năm 2010, huyện Thanh Trì đã thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Tân Triều nhằm chuyển các hộ làm nghề tại Triều Khúc và Yên Xá ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, tới nay số lượng hộ dân làm nghề tại Tân Triều ra CCN rất ít, phần lớn vẫn tiếp tục sản xuất trong khu dân cư.

Trong khi đó, hầu hết các công ty, xưởng sản xuất đang hoạt động tại CCN đều từ địa phương khác chuyển đến. Điều này dẫn đến thực trạng oái oăm là trong khi các hộ dân không thể chuyển ra CCN làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm tại khu vực dân cư thì bản thân CCN cũng gây ra những bức xúc cho người dân về ô nhiễm.

Anh Vinh, một người xã Tân Triều khẳng định, chính nước thải của các xưởng dệt nhuộm tại CCN làng nghề mới gây ô nhiễm nặng. “Cứ vào buổi đêm, các xưởng nhuộm làng nghề xả nước nhuộm ra là mùi hôi thối bay vào làng rất khủng khiếp. Chính việc xây làng nghề lại đang gây ra ô nhiễm nặng”, anh Vinh nói.

Trên thực tế, chuyện xảy ra tại làng Triều Khúc không phải là hiện tượng duy nhất tại Hà Nội cũng như trên cả nước. Vài năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề với mục đích đưa các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, “tập trung lại một chỗ để dễ xử lý”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các CCN làng nghề lại đang biến thành khu vực giãn dân và mở rộng vùng ô nhiễm.

Thừa nhận thực trạng này, ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Tổng Cục môi trường cho biết, tại hầu hết CCN làng nghề, UBND cấp huyện hoặc cấp xã được giao làm chủ đầu tư, nhưng cơ sở hạ tầng mới chỉ dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống đường giao thông nội bộ đơn giản... mà không có các hạng mục, công trình về bảo vệ môi trường.

"Theo đánh giá và dự báo của nhiều chuyên gia mô hình CCN thành lập mà không xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, không quy định quản lý chặt chẽ ngay từ đầu đang và sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hàng đầu trong vài năm tới”, ông Loãn cho hay.

Trong khi đó, GS Đặng Kim Chi cho rằng, đặc điểm của làng nghề Việt Nam chủ yếu là tận dụng lao động nông nhàn và sản xuất ở quy mô gia đình là chính. Do vậy, việc tập trung thành một CCN thì các hộ sản xuất sẽ không tận dụng được những lao động không chính thức. Điều này dẫn đến tình trạng họ không muốn ra CCN do chính quyền thành lập hoặc có ra thì họ lại mang cả gia đình ra CCN để sinh sống. Vô hình trung, CCN làng nghề sẽ trở thành vùng đất giãn dân với giá ưu đãi trong khi vấn đề ô nhiễm không những không được khắc phục mà còn bị mở rộng.

Giải pháp nào cho ô nhiễm làng nghề?

Tìm kiếm một giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đang là vấn đề khiến các nhà khoa học cũng như các cơ quan quản lý trăn trở.

GS Đặng Kim Chi cho rằng, các giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng như ô nhiễm môi trường nói chung tại các làng nghề cần phải căn cứ vào đặc thù công nghệ, đặc điểm sản phẩm của làng nghề. “Làng nghề bún, bánh thì nước thải khác làng nghề tái chế nhựa, tái chế kim loại, hay tái chế giấy đồng thời cũng khác làng nghề dệt nhuộm. Do vậy, việc áp dụng công nghệ chung để xử lý môi trường làng nghề là không khả thi mà phải phụ thuộc vào đặc thù riêng của chất thải sinh ra do hoạt động sản xuất của làng nghề ấy”, GS Chi nói.

GS Chi cũng cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp xử lý nguồn nước thải của các làng nghề chính là phải tìm được những công nghệ thật đơn giản, tốn ít đầu tư, chi phí vận hành thấp và việc vận hành phải hết sức đơn giản. Theo GS Chi, những người dân làng nghề làm nghề chủ yếu tận dụng thời gian và nhân lực nông nhàn, do vậy, để họ đầu tư vài tỉ đồng cho công nghệ xử lý nước thải chắc chắn là họ không chịu. Trong khi đó, đối với những người công nhân có nguồn gốc nông dân này, việc bắt họ phải tìm hiểu những công nghệ phức tạp là rất khó khăn.

Ở phương diện của cơ quan quản lý, ông Trần Thế Loãn lại cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với việc khắc phục ô nhiễm làng nghề nói chung chính là nhận thức còn rất hạn chế và yếu kém của người dân làng nghề cũng như chính quyền địa phương đối với vấn đề ô nhiễm môi trường do làng nghề gây ra. “Nhiều cơ sở thực chất là hoạt động sản xuất công nghiệp nhỏ trên địa bàn dân cư nông thôn, lợi dụng danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các trách nhiệm về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ và thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều điện, nước...”, ông Loãn nói.

Do vậy, theo ông Loãn, việc cần làm là phải xem xét lại khái niệm “làng nghề” cũng như quy hoạch làng nghề, phân biệt rõ các loại hình cũng như quy mô làng nghề cần được bảo tồn và những loại hình cần phải loại bỏ khỏi khu dân cư để có biện pháp xử lý phù hợp. Ông Loãn cũng cho rằng, các địa phương cần căn cứ vào đặc điểm của từng làng nghề để lựa chọn phương thức quy hoạch phù hợp, tránh việc lập các CCN ồ ạt nhưng không hiệu quả như trong thời gian qua.

  • Lê Văn