Các cặp vợ chồng nhìn chung rất giỏi trong việc đọc vị cảm xúc của đối phương trong lúc cãi nhau, các nhà tâm lý tuyên bố.
Khi cãi vã, người chồng/người vợ chỉ có thể nhìn thấy nỗi tức giận mà không cảm thấy nỗi buồn ở người kia. |
Tuy nhiên, nếu như bạn đời của bạn giận dữ, điều đó sẽ không chỉ bó hẹp ở cảm xúc ngay tại thời điểm tranh cãi, mà nó còn phần nào phản ánh “bầu không khí chung” của cuộc hôn nhân.
“Nếu người chồng hoặc người vợ nổi đóa đồng nghĩa với việc họ cũng đang cảm thấy rất buồn, dù người bạn đời có thể không nhận ra”, chuyên gia Keith Sanford thuộc Đại học Baylor chia sẻ trên LiveScience. “Mọi người dễ thể hiện sự giận dữ nhất trong những tình huống khi cả hai vợ chồng đều bị bức bối và không hài lòng về nhau suốt một thời gian dài trước đó”.
Cũng có nghĩa, nếu một cặp đôi rơi vào bầu không khí tức giận, họ sẽ có xu hướng tiếp tục biểu hiện sự giận dữ đó bất chấp cảm xúc thực sự trong lòng. “Nó trở thành một cái bẫy mà hai người không thể thoát ra”.
Những đề tài dễ gây tranh cãi lặp đi lặp lại trong đời sống hôn nhân thường là liên quan đến họ hàng hai bên, tiền bạc, tình cảm, việc nhà và thời gian ngồi máy tính.
Sanford nhận thấy, khi người chồng hoặc người vợ thể hiện sự giận dữ, thực ra họ cũng cảm thấy rất buồn. Nhưng nếu như nửa kia có thể dễ dàng và ngay lập tức nhận ra biểu hiện tức giận thì họ lại hầu như không cảm nhận được nỗi buồn này.
“Sự giận dữ đã hoàn toàn lấn át nỗi buồn”, Sanford cho biết. Trong khi các nghiên cứu trước đây đã kết luận rằng, sự biểu hiện nỗi buồn chân thành trong các cuộc cãi vã có thể giúp cho hai người xích lại gần nhau hơn và giúp cho các cặp đôi thoát khỏi bầu không khí “bùng nổ” của sự bốc hỏa.
Lý giải cho việc các cặp vợ chồng dễ dàng dò đoán được cảm xúc đối phương, Sanford cho rằng đó là vì họ có “hiểu biết của người trong cuộc” đối với nửa kia. Một điểm đáng chú ý là trong khi nam giới thể hiện sự giận dữ nhiều hơn thì những người vợ lại có xu hướng bộc lộ các cảm xúc “mềm” như buồn bã và thất vọng nhiều hơn.
Y Lam