Một trong 3 con bọ xít bắt được tại nhà bà Liên. |
Ba con bọ xít được phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Kim Liên ở tổ 42, khu vực 8, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Theo bà Liên, trong 2 buổi tối ngày 26 và 27/8, bà Liên và con gái đã bắt được 2 con bọ xít hút máu người ngay giữa nhà. Tiếp đó, tối 1/9, trong lúc cả nhà đang ngồi xem tivi, bà Liên phát hiện có con bọ xít hút máu người bay lòng vòng rồi đáp xuống nền nhà.
Bà Liên đã giao 3 con vật bắt được cho Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn nghiên cứu.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Côn trùng thuộc Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, 3 con bọ xít hút máu người phát hiện tại Quy Nhơn đều thuộc giống Triatoma Laporte 1832, có nguồn gốc Nam Mỹ.
Trước đó, tối 26/8, chị Trần Kim Cúc (phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) cũng bất ngờ bắt được một con bọ xít hút máu người ngay giữa nhà. Chị Cúc cho biết, cách đây khoảng 2 năm, chị cũng từng bắt được một con bọ xít giống y như vậy ở giữa nhà.
Như vậy đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đều đã phát hiện bọ xít hút máu người như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Vết đốt của loài bọ xít này ban đầu gây đau nhức, sưng tấy trong một thời gian ngắn.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm, đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.
Lê Văn