- Các cơ quan quản lý cần sớm có chương trình, lộ trình tổ chức, học hỏi kinh nghiệm triển khai phương pháp "kiểm tra không huỷ thể" (NDT) nhằm bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng ở nước ta.
Với chủ đề “Vai trò và tầm quan trọng của NDT trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân”, sáng nay, Thứ Tư 28/11/2012, ở Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý trong lĩnh vực Kiểm tra không huỷ thể (viết tắt là NDT – Non Destructive Testing); Năng lượng nguyên tử; An toàn bức xạ và hạt nhân.
GS - TS Peter Trampus báo cáo ở Hội thảo “Vai trò và tầm quan trọng của NDT trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân” diễn ra ngày 28/11/2012, ở Hà Nội. |
Hội thảo đã được tổ chức với sự chủ trì của ba đơn vị liên quan: Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Công ty Giải pháp Kiểm định Việt Nam và Hội thử nghiệm không phá huỷ Việt Nam.
Như tên gọi NDT, đây là một phương pháp kiểm tra chất lượng, nhưng không gây hư hỏng các công trình, sản phẩm, bằng nhiều kỹ thuật hiện đại khác nhau như: kiểm tra trực quan, kiểm tra thẩm thấu chất lỏng, kiểm tra từ, kiểm tra dòng điện xoáy, chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra siêu âm, kiểm tra dò rỉ…
Trên thế giới, trong các công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hầu hết đều phải sử dụng các phương pháp NDT để kiểm tra chất lượng. Với NDT, có thể phát hiện và xác định được vị trí và kích thước của khuyết tật, các chỗ dò rỉ … trước khi vận hành, ngay trong khi vận hành và sau một thời gian hoạt động.
Hoạt độ phóng xạ cao, tức độc hại phóng xạ nguy hiểm cho con người và môi trường, là một đặc thù trong nhà máy điện hạt nhân. Ở điều kiện như thế, phương pháp NDT rất thích hợp và sử dụng thuận tiện hơn nhiều phương pháp khác.
Báo cáo đề dẫn trong Hội thảo là một chuyên gia quốc tế có tiếng, Giáo sư - Tiến sĩ Peter Trampus, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội NDT Châu ÂU, chủ tịch Hội NDT Hungary, chuyên gia cao cấp của IAEA về an toàn nhà máy điện hạt nhân, 30 năm kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn cho Nhà máy điện hạt nhân PAKS (Hungary). Chính ở nhà máy này, Việt Nam đã và đang gửi các đợt cán bộ trẻ trong ngành điện hạt nhân sang đào tạo, tham quan, thực tập.
Báo cáo trình bày 4 phần: Đặt vấn đề về an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Kiểm tra trước và trong quá trình vận hành. Các giải pháp NDT và các khuynh hướng. Những vấn đề liên quan như: Tiêu chuẩn và quy phạm; đào tạo và cấp chứng chỉ; đánh giá; chứng nhận trình độ.
Trên cơ sở nội dung phong phú của bản báo cáo, các chuyên gia trong nước có dịp và rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích.
Đặc biệt, ở trong và ngoài hành lang của hội thảo nhiều người tỏ ra băn khoăn, rằng vai trò của NDT quan trọng đến vậy, nhưng khâu tổ chức, tập hợp các lực lượng làm NDT ở trong nước chưa được chú ý đúng mức. Các cơ quan quản lý cần sớm có chương trình lộ trình tổ chức, nâng cao trình độ, học hỏi kinh nghiệm triển khai phương pháp NDT nhằm bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân, ngay từ bây giờ mới kịp đáp ứng lộ trình triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hoàng Hà