“Đằng nào tôi chả chết! Nếu tôi nằm xuống cũng đã có 2.000 bông hồng trắng cắm lên mộ. Lúc ấy, tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”. Ông lão “dở hơi” Hà Xuân Định thường nói với mọi người như vậy mỗi khi họ khuyên ông dừng công việc tình nguyện. Những bông hoa ấy là số phận bất hạnh mà suốt 15 năm qua ông Định đi khắp nơi đưa về học nghề tại Hợp tác xã (HTX) Ngọ Hạ (Chuyên Mỹ, Hà Nội) và định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em.


Từ cái duyên giúp đời

Đến Vân Từ, hỏi về nhà ông Hà Xuân Định ai cũng biết, những người nhiệt tình còn chỉ đường vào tận nhà ông. Ai cũng bảo ông có tấm lòng quảng đại, cưu mang được nhiều hoàn cảnh bất hạnh giúp lũ trẻ tìm thấy con đường tương lai. Năm nay, ông Định đã 85 tuổi, cái tuổi mà người ta vẫn thường gọi là gần đất xa trời, nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài đi tìm những đưa trẻ thiếu may mắn ở khắp các tỉnh thành đưa về HTX Sơn Khảm dạy nghề. Có lẽ vì vậy, ông Hà Xuân Định nổi tiếng khắp xã bởi làm việc “vác tù và hàng tổng” suốt 15 năm qua. Khác với những người giàu có, vì hoàn cảnh khó khăn nên ông Định làm tình nguyện bằng tâm huyết và được mọi người quý mến.

Ông kể, ông mồ côi cha từ năm 13 tuổi, sống trong sự bao bọc, chở che của người mẹ và chị em trong gia đình. Trở về từ hai cuộc chiến khi tuổi đời đã ngoài 40, ông Lộc tưởng mình sẽ sống cô đơn đến già bởi nhiều người nghĩ ông “dở hơi” khi đến tuổi này vẫn vò võ một mình. Tuy nhiên, trong một lần về quê, ông Định đã gặp bà Nguyễn Thị Bòng - người sau này trở thành vợ hiền, dâu thảo trong gia đình ông. “Tôi mồ côi cha từ nhỏ, sớm hiểu hoàn cảnh của các em nhỏ khó khăn nên muốn giúp đỡ, nhưng vì nghèo quá, vật chất không có nên mình bỏ sức ra để giúp đỡ các em”, ông Định chia sẻ. Ông kể, năm 2000, một tổ chức phi chính phủ đã về làng ông tuyển tình nguyện viên đi tìm những đứa trẻ tàn tật, lang thang về HTX học nghề. Điều kiện là người đó phải di chuyển nhiều nơi và tự trang trải cho những chuyến đi của mình.

Trong cái cảnh người ta chỉ lo thân mình đã thấy khó khiến nhiều người e ngại, vậy mà một ông già, ngày ấy 70 tuổi, đã đứng ra nhận công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" trước sự ngỡ ngàng và phản đối của người thân. Ban đầu, họ không đồng ý nhưng ông bảo, “mắt tôi còn sáng, trí nhớ tôi còn minh mẫn, chân tôi còn khỏe, tôi có thể đi khắp mọi nơi”. Kể từ ngày đó tới giờ đã hơn 15 năm, ông gắn bó với “nghề” này.

Ban đầu, khi biết chuyện, người thân, hàng xóm đều bảo ông dở hơi, khéo lo chuyện bao động. “Mọi người ai cũng bảo tôi dở hơi vì họ sợ tuổi cao như vậy đi đường xa rồi không biết chết lúc nào, chết ở đâu. Duy chỉ có vợ tôi là ủng hộ. Hàng ngày, bán được con gà, mớ rau bà đều để lại chút tiền cho tôi làm lộ phí lên đường”, ông Định chia sẻ. Cứ đều đặn, khi trời còn chưa sáng, ông đã lọ mọ dậy chuẩn bị sổ sách, cùng với chiếc xe đạp cũ lên đường tìm kiếm những số phận bất hạnh. Suốt 15 năm qua, ông đều đặn làm công việc từ thiện như vậy.

Lặng lẽ trao yêu thương

Nghĩ về những ngày đầu đi tìm trẻ khuyết tật, ông Định kể, ban đầu khó khăn lắm, người ta không tin ông nên không chịu trao con em họ cho ông, nhiều chỗ còn nghĩ ông lừa đảo, đuổi ông ra khỏi địa phương. Những lần như vậy, ông bình tĩnh ngồi lại, giải thích cho họ hiểu công việc của ông. Nhờ sự nhiệt tình, chân thành của một lão nông tuổi ngoài 70, ông đã thuyết phục họ tin theo. “Tự nhiên, có một ông già đến nhà bảo sẽ giúp đỡ con em họ học nghề, chẳng mấy ai tin. Sau nhiều lần bị xua đuổi, tôi phải tìm đến chính quyền xã mong họ giúp đỡ. Giờ, đi đâu người ta cũng biết tôi, ngay cả những lái xe đi tận Quảng Ninh, Hà Giang cũng biết để cho đi nhờ”, ông Định cho biết. “Có hôm tôi đi về khuya, xin người dân cho ngủ nhờ nhưng họ sợ tôi lừa đảo nên không cho. Tối hôm đó, tôi phải ra chùa ngả lưng thức đến sáng rồi lại lạch cạch đạp xe đi tìm các em nhỏ”, ông Định nhớ lại.

Hầu hết những em nhỏ ông Định đưa về HTX khảm trai đều là những trẻ khuyết tật, trẻ lang thang, cơ nhỡ, không có khả năng lao động giúp đỡ gia đình. Tất cả các em sau khi được đưa về HTX đều được học nghề và có công ăn việc làm ổn định. Tính đến nay, sau 15 năm làm công việc này, ông Định đã giúp hơn 2.000 đứa trẻ tìm thấy ánh sáng tương lai cho mình. Thậm chí, có những em còn lập gia đình với những em khuyết tật khác ngay trong chính HTX và xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Những đứa trẻ tại trung tâm đều gọi ông Định là cha, trân trọng tấm lòng và sự cưu mang của ông. “Khi nào tôi chết, tôi dặn chúng mỗi đứa cầm cành hồng trắng đặt lên mộ là tôi thấy mãn nguyện rồi. Một lão nông khi mất đi mà có 2.000 bông hồng trắng trên mộ thì ít người làm được lắm. Đó là cái hạnh phúc nhất đời tôi”, ông Định vui vẻ.

Trong số những đứa trẻ, ông nhớ nhất là cuộc hội ngộ đặc biệt với em Phan Thế Út (Thanh Oai, Hà Nội). Năm 2004, trong một chuyến đi tìm các em nhỏ tàn tật, ông ghé vào một quán nước nghỉ chân. Thấy ông Định tuổi đã cao mà đạp xe mệt như vậy nên Út mời ông vào nhà. “Tôi thấy cô bé nhiệt tình mời vào nhà nên đi theo, nhưng ngồi đợi mãi hơn 10 phút mà không thấy cô bé rót nước mời, bụng lại đang khát, tôi tính đứng lên ra về thì cô bé bảo tôi tự rót nước uống bởi cháu không tự đứng lên được”, ông Định nhớ lại. Hỏi ra mới biết, cô bé bị liệt hai chân, ngồi trông quán cho bố mẹ đi làm đồng. Sau khi nghe ông kể về công việc của mình, Út đã xin theo ông đi học nghề để tự nuôi sống mình, không muốn là gánh nặng cho cả gia đình. “Hiện Út đã học thành nghề, tự ra một cơ sở sản xuất khảm trai tại quê nhà và lập gia đình với một anh tàn tật trong HTX. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm. Giờ cô bé Út ngày nào đã có thể tự lo cho bản thân và chăm sóc tốt cho gia đình”, ông Định hạnh phúc nghĩ tới những hoàn cảnh tật nguyền.

Hiện nay, khóa cuối cùng đã bế giảng, các em đã đi làm những công việc mà các em được học tại HTX. Ông Định đang “thất nghiệp”, chờ có đợt khai giảng mới ông lại tiếp tục lên đường tìm kiếm những số phận bất hạnh. Trong suốt 15 năm tham gia cứu người, giúp đời, chưa bao giờ ông bị ốm đau, mà sức khỏe của lão nông ngoài 85 vẫn dẻo dai cùng thời gian. “Chắc mình làm việc ích cho đời nên được người ta thương, đi đến đâu cũng được mọi người giúp đỡ nên chả đau ốm bao giờ. Hiện giờ, ngày nào các cháu cũng điện hỏi thăm sức khỏe của ông, có hôm 22h chúng còn gọi điện nói chuyện tíu tít, mấy bố con lại ngồi tâm sự cả đêm”, ông Định vui vẻ.

“Ông Định thương bọn nhỏ lắm. Đưa các em về cơ sở học nghề, hiểu được tâm lý “bất thường” của các em nên ông ấy thường xuyên gần gũi, động viên, khuyên các em phải biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống. Suốt hơn 15 năm qua, ông đã đưa hơn 2.000 em nhỏ về HTX để học nghề và hướng dẫn tận tình cho các em. Hàng ngày, hễ không đi kiếm các em nhỏ ông lại có mặt ở trung tâm cho tới tối muộn mới về”.

Bà Nguyễn Thị Vui - Chủ nhiệm HTX Sơn Khảm (Chuyên Mỹ - Hà Nội)


Theo Lao Động