Công nghiệp ô tô làm nữa hay thôi vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Một luồng ý kiến cho rằng không phát triển được thì thôi trong khi một luồng ý kiến khác khẳng định công nghiệp ô tô rất quan trọng, cần phải phát triển.
Quốc gia công nghiệp không cần phát triển công nghiệp ô tô?
Trong một hội thảo về công nghiệp ô tô được tổ chức ngày 7/9/2016 tại TP.HCM , Giáo sư Kobayashi Hideo, Viện nghiên cứu Công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản) cho biết, tại Nhật Bản trước đây (năm 1950) cũng đã từng có quan điểm cho rằng không cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua đã chứng minh ngược lại, công nghiệp ô tô đã đóng góp 10% GDP cho kinh tế Nhật Bản hiện nay.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành một quốc gia công nghiệp. Liệu có quốc gia công nghiệp nào không cần phát triển ngành công nghiệp ô tô? Theo giới chuyên môn, công nghiệp ô tô được coi là ngành công nghiệp cơ bản, với sức lan tỏa lớn trong nền kinh tế, mà nhiều quốc gia trên thế giới luôn mơ ước.
Một chiếc ô tô có từ 20.000 cho tới trên 50.000 chi tiết, thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất như cơ khí, luyện kim, điện, điện tử, chất dẻo... Khi ngành công nghiệp ô tô phát triển, sẽ tạo động lực và kéo theo sự phát triển của các ngành sản xuất này. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô phát triển, có thể tạo ra khoảng 10% trong tổng số việc làm, mà các quốc gia đông dân như Việt Nam rất cần.
Chính vì vậy, trong Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2025-2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2014 đã khẳng định: “Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn".
Xét về tiềm năng, thị trường ô tô Việt Nam được thừa nhận là rất lớn, hoàn toàn đủ điều kiện để công nghiệp ô tô phát triển. Hiện tại thị trường ô tô Việt Nam đang có mức tăng trưởng trên 20%/năm, với quy mô dự kiến đạt 300.000 xe vào cuối năm 2016. Theo các tính toán, tới 2020 khi thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt 3.000 USD/người/năm, thì thị trường ô tô bước vào thời kỳ bùng nổ. Tức là khi đó, người dân sẽ sử dụng ô tô làm phương tiện đi lại phổ biến. Dự kiến quy mô thị trường ô tô sẽ đạt con số 1 triệu xe/năm vào thời điểm 2030.
Yếu tố thuận lợi không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn có khả năng xuất khẩu, nhờ tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do, nhất là TPP.
‘Dâng’ thị trường cho nước ngoài?
Tuy nhiên, công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là thời điểm 2018 sắp tới, theo cam kết gia nhập AFTA, khi đó thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ bị cắt giảm xuống còn 0%. Theo tính toán, giá ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, sẽ rẻ hơn giá xe sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 20%.
Nếu ô tô nguyên chiếc tự do tràn vào thì các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay tuy chưa phát triển, nhưng cũng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, với khoảng 100.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp, từ các cơ sở sản xuất linh kiện, phân phối, bảo dưỡng sửa chữa, cùng đóng góp ngân sách hơn 5 tỷ USD mỗi năm.
Nếu xe nhập tràn vào, các nhà máy ô tô khó tránh khỏi đóng cửa, do không cạnh tranh nổi. Hàng trăm nghìn lao động sẽ mất việc làm, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Cùng với đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng không có cơ hội phát triển.
Mục tiêu của phát triển công nghiệp ô tô là đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Muốn vậy, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần duy trì được sự tồn tại của các DN lắp ráp ô tô. Không có lắp ráp, không thể có sản xuất linh kiện.
Kịch bản mà các nhà kinh tế hình dung ra, nếu không có ngành công nghiệp ô tô phát triển, phải nhập khẩu hoàn toàn, thì thời gian tới mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi từ 20 - 30 tỷ USD (hiện nay là 16 tỷ USD) để nhập ô tô. Chắc chắn điều này sẽ gây mất cân bằng cán cân thương mại, làm "chảy máu" lượng ngoại tệ lớn, khó có sản phẩm xuất khẩu nào bù đắp nổi.
Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đều mong muốn được mua 1 chiếc xe nhập khẩu với giá rẻ. Nhưng không có quốc gia nào, muốn phát triển công nghiệp ô tô, lại mở cửa hoàn toàn để ô tô nhập khẩu tự do tràn vào.
Tuy vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng thực tế cho thấy, nếu không bảo vệ thị trường, một loạt các dự án lớn đầu tư vào sản xuất ô tô đang hình thành, có nguy cơ gặp khó khăn, phải bỏ cuộc. Như vậy, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ sẽ không đạt được. Kết cục là thị trường tiềm năng sẽ rơi vào tay các tập đoàn ô tô nước ngoài.
Ngọc Minh