Tuy nhiên, theo Cục Hàng không thì nguồn vốn để đầu tư chỉ có thể huy động từ tư nhân.
Đề xuất xây sân bay cấp 4C tại huyện Bảo Yên
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ KH-ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao, GTVT, Tài chính, Xây dựng… về đề xuất đầu tư xây dựng cảng hàng không (CHK) Sa Pa của UBND tỉnh Lào Cai trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng CHK Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Cảng hàng không này sẽ được xây dựng với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO), sân bay quân sự cấp II, công suất 2,5 - 3 triệu khách/năm. Sân bay sẽ có 9 vị trí đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án lên tới 5.900 tỷ đồng.
Dự kiến CHK Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ được đưa vào sử dụng khai thác trong giai đoạn đến năm 2030. Đồ họa: Nguyễn Tường |
Về đề xuất này của Lào Cai, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV), đơn vị đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước cho biết tầm quan trọng và sự cần thiết của sân bay Lào Cai đã được khẳng định tại Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, không cần phải bàn cãi nhiều về việc nên hay không nên đầu tư. Vấn đề chỉ là đầu tư như thế nào cho hợp lý.
Đồng quan điểm, chuyên gia hàng không Trịnh Như Long nói: “Bất kỳ sân bay nào cũng đều có vai trò kinh tế, chính trị, xã hội nhất định hay nói cách khác là đều cần thiết. Sân bay là phần tất yếu của hạ tầng giao thông một đất nước, là xương sống để phát triển kinh tế, xã hội”.
“Chúng ta có 63 tỉnh, thành phố. Theo Quyết định 236, đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 sân bay. Con số này không phải là nhiều. Trước năm 1975, trong khi miền Bắc chỉ có vài sân bay đếm trên đầu ngón tay như Gia Lâm, Nội Bài, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Vinh, Đồng Hới thì ở miền Nam, gần như tỉnh nào cũng có sân bay. Ngay cả An Giang cũng từng có sân bay”, ông Long thông tin.
Mặc dù vậy, ông Long cũng cho rằng điều này không có nghĩa là trong lúc chúng ta đang thiếu tiền, nguồn lực còn hạn chế mà chỗ nào chúng ta cũng làm. “Do nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên phải cân nhắc, tính toán. Trong trường hợp đầu tư CHK Sa Pa cần đánh giá kỹ về hiệu quả cũng như chọn thời điểm đầu tư hợp lý”, ông Long nói.
Xã hội hóa toàn bộ hay chỉ một phần?
Hiện du khách chủ yếu đi đường bộ đến Sa Pa qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai. |
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai, hình thức đầu tư CHK Sa Pa là kết hợp giữa ngân sách nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công và hình thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, Lào Cai đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng để xây dựng khu bay và đường trục vào cảng. Tỉnh sẽ chi hơn 910 tỷ đồng để thực hiện GPMB, tái định cư và rà phá bom mìn. TCT Quản lý bay VN sẽ chi khoảng gần 132 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay.
Phần còn lại hơn 1.700 tỷ đồng (xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không) sẽ đầu tư theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, không đồng ý với phương án đầu tư như đề xuất của Lào Cai, trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương cho biết: “Trong điều kiện nguồn vốn NSNN hạn chế, để giảm áp lực cho NSNN đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư - quản lý - khai thác - bảo trì cũng như đảm bảo vai trò chủ trì của người khai thác cảng hàng không trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ tại cảng, Cục Hàng không kiến nghị đầu tư toàn bộ theo hình thức BOT ngoại trừ các hạng mục quản lý điều hành bay sẽ giao cho TCT Quản lý bay VN”.
Đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án CHK Sa Pa, Cục Hàng không VN cho biết, theo báo cáo tiền khả thi của dự án, hiệu quả tài chính toàn dự án là không khả thi. Do đó, Cục Hàng không VN đề nghị cần xem xét lại thời điểm đầu tư, phương án đầu tư, khả năng huy động nguồn vốn để đảm bảo hiệu quả khai thác và tính khả thi của dự án.
Một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho hay, nếu Nhà nước có đủ tiền, đủ nguồn lực thì việc có thêm một cảng hàng không đương nhiên tốt, không có gì phải bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chuyên gia này cho rằng cần cân nhắc hết sức kỹ càng.
“Có thể nhìn thấy ngay, nguồn khách chính cho sân bay Lào Cai chỉ có khách du lịch từ miền Nam ra phía Bắc và khách từ Vân Nam, Côn Minh (Trung Quốc) vào Lào Cai và đi tiếp vào nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả nguồn khách này cũng cần phải tìm hiểu và phân tích rất kỹ. Kinh tế - xã hội của Lào Cai hoàn toàn không giống Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Phân khúc thị trường của Lào Cai cũng không rõ ràng như Vân Đồn, Phan Thiết hay cả các cảng sắp nâng cấp như Đồng Hới, Chu Lai. Chưa kể, Lào Cai đã có đường cao tốc lên đó”, vị này nói và cho biết thêm: Nếu xét về ý nghĩa an ninh, quốc phòng, trước mắt cần ưu tiên sân bay Nà Sản, kế đó mới tính đến Lào Cai. Rộng ra trong khu vực, chuyên gia này cho rằng Điện Biên mới thực sự là sân bay cần ưu tiên đầu tư trên hết.
“Điện Biên chắc chắn vẫn phải đầu tư dù có hay không có CHK Sa Pa bởi địa phương này giữ vị trí chiến lược của cả vùng Tây Bắc. Việc đầu tư cho Điện Biên sớm muộn cũng phải làm, vấn đề chỉ là nguồn vốn” - vị này khẳng định.
“Theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, CHK Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ được đưa vào sử dụng khai thác trong giai đoạn đến năm 2030 với công suất dự kiến đáp ứng 3 triệu khách/năm.” “Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong, lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng rất nhanh. Năm 2018, con số này là hơn 4,2 triệu khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2019, lượng khách du lịch đến Lào Cai sẽ lên tới trên 5 triệu.” Cảng hàng không Sa Pa có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế Theo Cục Hàng không VN, CHK Sa Pa được định hướng là cảng hàng không thu hút khách du lịch nội địa và cho phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ các nước trong khu vực. Nguồn khách tiềm năng cho vận chuyển hàng không đi/đến CHK Sa Pa nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung là khách du lịch và khách công vụ. Trong đó, khách nội địa từ các đường bay liên vùng. Trong tương lai là khách quốc tế từ một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc. Cục Hàng không VN cũng dự kiến giai đoạn đến năm 2025, mạng đường bay kết nối Lào Cai với TP HCM, Đà Nẵng. Sau năm 2025, sẽ mở rộng mạng đường bay kết nối Lào Cai với Nha Trang, Quy Nhơn, Cần Thơ, Phú Quốc. Dự báo sản lượng hành khách năm 2025 đạt trên 500 nghìn khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2025 - 2030 đạt trên 15%/năm. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đánh giá Lào Cai có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế. Từ kinh nghiệm thực tiễn khai thác các đường bay địa phương, Vietjet nhận định việc kết nối các đường bay đến CHK Sa Pa sẽ đem lại sự thuận tiện không chỉ cho người dân Việt Nam mà còn cho du khách quốc tế trong việc đi lại, du lịch và giao thương phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Tây Bắc. Phó Tổng giám đốc hãng này - ông Nguyễn Thanh Sơn cũng khẳng định Vietjet sẵn sàng hợp tác đánh giá, nghiên cứu khả thi các đường bay đến CHK Sa Pa. Lào Cai sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Lương, Phó giám đốc Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1636 ngày 22/9/2015 xác định xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước về công nghiệp khai thác và chế biến các loại khoáng sản; xuất nhập khẩu hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dịch vụ cửa khẩu, du lịch, bước đầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại Lào Cai còn có khu du lịch Sa Pa đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cáp treo Phanxipăng, sân golf...; khu hợp tác kinh tế qua biên giới với cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và cửa khẩu Quốc tế Kim Thành; khu công nghiệp Tằng Loỏng với các khu chế biến kim loại màu, phân bón… “Với các hoạt động công nghiệp - dịch vụ như vậy, nhu cầu giao thương đi lại của các đối tượng là khách hàng sử dụng giao thông hàng không rất lớn và sẽ không ngừng tăng nhanh. Là một tỉnh biên giới, Lào Cai cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nên cần đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Do đó, việc xây dựng CHK Sa Pa là rất cần thiết và cấp bách”, ông Lương khẳng định. Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhận định, việc hoàn thành CHK sẽ thúc đẩy kinh tế của khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng, không những kết nối giao thương của khu vực Tây Bắc với các vùng miền trong cả nước (đặc biệt vùng miền Trung và miền Nam) mà còn kết nối các nước trong khu vực châu Á. UBND tỉnh Lào Cai cũng sẵn sàng có những cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các nhà đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai đã đăng ký nhiều buổi làm việc với Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và tổ chức các buổi làm việc với một số nhà đầu tư chiến lực để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án kết hợp giữa ngân sách nhà nước theo hình thức đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Lào Cai là 3.088,781 tỷ đồng (xây dựng khu bay và đường trục vào cảng); vốn ngân sách tỉnh là 910,6 tỷ đồng (thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn). UBND tỉnh Lào Cai kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT) đầu tư nhà ga, khu hàng không dân dụng... với kinh phí khoảng 1.716,5 tỷ đồng để đảm bảo tính khả thi của dự án. “UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư được lựa chọn để triển khai dự án đảm bảo hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”, ông Dương cho hay. |
(Theo Báo Giao Thông)