Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại hội thảo “Giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho hay, tại các vùng nông thôn, chợ vẫn là loại hình thương mại chủ yếu. Mạng lưới chợ hiện nay ở một số nơi đã xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của dân cư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh, do sự liên kết còn chưa chặt chẽ nên việc xây dựng chuỗi giá trị gia tăng còn hạn chế. Việc hạn chế trong hình thành mối liên kết vùng dẫn đến hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Đặc biệt là hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra.

{keywords}
 

Nhận định về những khó khăn, thách thức trong phát triển thương mại, dịch vụ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB), ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, hiện nay, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề có tính chất liên tỉnh, liên vùng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được trong xu thế hội nhập và phát triển; các hoạt động hợp tác chưa thật sự chủ động, chất lượng tăng trưởng và mức độ lan tỏa của vùng chưa thật sự rõ nét, mức độ chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị chưa cao, nhiều sản phẩm của vùng chưa được xây dựng thương hiệu, nâng giá trị thương mại…

Vùng KTTĐBB gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, đều là những tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thương mại. Phát triển thương mại Vùng KTTĐBB có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, thương mại của miền Bắc cũng như đối với cả nước.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giai đoạn 2014-2018, Vùng KTTĐBB là thị trường có hoạt động thương mại sôi động cùng với sự phát triển mạnh các hệ thống phân phối và sự phong phú, đa dạng các chủng loại hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vùng KTTĐBB năm 2018 đạt 846,73 nghìn tỷ đồng, tăng 8,38% so với năm 2017, chiếm 19,17% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Giai đoạn 5 năm (2014-2018), tổng mức của vùng tăng bình quân 10,74%.

Linh Anh