Khác biệt về việc định giá con tàu nghìn tỷ

Dự án đóng tàu 104.000 tấn do Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin là chủ đầu tư, được Nhà máy đóng tàu Dung Quất từ thời Vinashin đóng. Tháng 6/2010, khi “con tàu Vinashin bị đắm”, nhà máy đóng tàu Dung Quất - Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (bao gồm cả con tàu 104.000 tấn) được chuyển sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản.

Gần 10 năm nay, nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ, là 1 trong 12 dự án/doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương (nay trọng trách xử lý chuyển sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Gần 10 năm đã qua, giữa PVN, Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) và Bộ Tài chính vẫn chưa thống nhất quan điểm xung quanh việc định giá con tàu 104.000 tấn trên.

{keywords}
Nhà máy đóng tàu Dung Quất từng là niềm tự hào của Vinashin.

Nguồn tin của PV. VietNamNet cho biết, trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn, Bộ Tài chính đã nêu rõ những tồn tại xung quanh con tàu này.

Theo Bộ Tài chính, vướng mắc trong việc bàn giao hiện nay xuất phát từ khác biệt trong quan điểm thực hiện của PVN về “nhận bàn giao nguyên trạng” con tàu.

PVN cho hay chỉ chấp nhận thanh toán 819 tỷ đồng theo số hạch toán về chi phí dở dang thực hiện con tàu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Lý do là PVN tiếp nhận nguyên trạng Nhà máy đóng tàu Dung Quất, bao gồm vốn và tài sản hạch toán tại nhà máy này, trong đó có giá trị dở dang con tàu.

Trong khi đó, ngoài khoản tiền 819 tỷ đồng kể trên, SBIC yêu cầu PVN thanh toán tiếp 448 tỷ đồng.

Số tiền 448 tỷ đồng chính là các khoản chi phí lãi vay sẽ được vốn hóa vào vốn đầu tư dự án, phí bản quyền, chi phí thiết kế được chủ đầu tư theo dõi hạch toán nhưng chưa phân bổ trực tiếp vào dự án dở dang.

Bộ Tài chính nghiêng về quan điểm của SBIC. Theo đó, việc bàn giao nguyên trạng con tàu từ SBIC sang PVN là bàn giao một dự án độc lập. Giá trị PVN phải thanh toán cho chủ đầu tư SBIC đối với con tàu được xác định là bàn giao dự án đầu tư độc lập của chủ đầu tư là SBIC sang PVN. Vì vậy, giá trị bàn giao và PVN phải thanh toán bao gồm khoản chi phí đầu tư dở dang 819 tỷ đồng và 448 tỷ đồng chi phí khác mà SBIC đã nêu ở trên.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng phải kiểm toán độc lập tập hợp chi phí 448 tỷ đồng theo dõi tại SBIC làm cơ sở xác định chính xác số kinh phí này.

Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần, vẫn chưa thống nhất quan điểm

Sau những bất đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo các bên khẩn trương hoàn thành việc định giá con tàu 104.000 tấn theo quy định và chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán.

Bộ Tài chính lại yêu cầu các PVN, SBIC báo cáo. PVN tiếp tục khẳng định xác định giá trị con tàu 104.000 tấn trên cơ sở chi phí thực tế dở dang trên sổ sách kế toán của Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Các chi phí thực tế dở dang 819 tỷ đồng này tại thời điểm bàn giao được tập hợp, phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị đã được Công ty TNHH kiểm toán Deloitte thực hiện.

Việc SBIC xác định giá trị chuyển giao con tàu bao gồm chi phí 448 tỷ đồng nói trên, theo quan điểm của PVN “là chưa phù hợp với nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng và chưa có cơ sở để đảm bảo nào về độ tin cậy của thông tin tài chính”.

“Trong trường hợp PVN tiếp tục nhận thêm khoản chi phí nêu trên sẽ gây lỗ cho hoạt động kinh doanh của PVN cũng như tình hình hoạt động của PVTrans (đơn vị nhận chuyển nhượng tàu từ PVN)”, PVN cho hay.

Ngoài ra, theo PVN, con tàu này đã vận hành từ năm 2013. Giá trị dở dang tại thời điểm bàn giao năm 2010 khác so với giá trị tại thời điểm vận hành và sẽ có sự khác biệt lớn so với hiện tại. Do đó, việc định giá tại thời điểm này làm cơ sở để bàn giao tại thời điểm 30/6/2010 là không phù hợp.

Trước những quan điểm của PVN, Bộ Tài chính nhận xét ý kiến đó đến nay “không có gì mới”, xoay quanh bảo vệ quan điểm của PVN về bàn giao nguyên trạng con tàu chỉ giới hạn là chi phí xây dựng dở dang được hạch toán, theo dõi tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng PVN không giải trình rõ cơ sở nào để PVN, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất bán lại con tàu sau khi tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất từ SBIC, trong khi tại thời điểm đó Công ty đóng tàu Dung Quất chỉ là nhà thầu, không phải là chủ đầu tư, sở hữu con tàu.

Đồng thời, đến nay, Bộ Tài chính cho biết không nhận được báo cáo của PVN về việc có hợp đồng mua bán con tàu 104.000 tấn giữa PVN với chủ đầu tư.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn, Bộ Tài chính đánh giá: Tồn tại giữa PVN và SBIC hiện nay phải giải quyết trước tiên là kiểm toán, xác định chi phí thực hiện hạch toán, theo dõi tại chủ đầu tư cho tới khi bàn giao con tàu từ SBIC về PVN. Đây là nhiệm vụ của PVN, SBIC đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo và Bộ Tài chính có ý kiến nhiều lần.

“Tuy nhiên các PVN và SBIC vẫn không thực hiện”. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu của PVN và SBIC có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.

Lương Bằng 

Di sản Vinashin: Xót xa gia tài 4.000 tỷ 15 năm hao tán

Di sản Vinashin: Xót xa gia tài 4.000 tỷ 15 năm hao tán

Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Vinashin được đầu tư suốt 15 năm nay nhưng chưa thể hoàn thành. Điều này khiến hơn 4.000 tỷ rót vào dự án nguy cơ lãng phí.