Lo lắng kéo dài 3 tại chỗ

11 DN với hơn 60.000 lao động của Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam, đại diện cho cộng đồng DN tại Tiền Giang, đã có đơn kiến nghị gửi trực tiếp tới ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các DN cho rằng, những đề xuất trước đây của DN chưa nhận được phản hồi thỏa đáng. Tỉnh vẫn chủ trương lấy phương án “3 tại chỗ” làm trọng tâm, khi đây là phương án đã được minh chứng không phù hợp với tình trạng chung của phần lớn DN phía Nam thời gian qua, đặc biệt là các DN có đông công nhân.

Tỉnh Tiền Giang đã được phân bổ tổng cộng 468.000 liều vắc xin Covid-19, cao thứ 9 trong cả nước. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có kế hoạch và thời gian cụ thể, hợp lý đối với việc phục hồi sản xuất trong tình hình mới. “Nếu tình hình này kéo dài thực sự sẽ gây hậu quả nặng nề về đời sống kinh tế cho người dân cũng như sự sống còn của doanh nghiệp”, đơn kiến nghị nêu.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp ở Tiền Giang "kêu cứu" khi vẫn bị ép "3 tại chỗ" (ảnh minh họa)

Hiện tiến độ tiêm mũi 1 vắc xin tại các DN đông lao động trung bình từ 25-50%. Tiền Giang cũng đã hạ mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 xuống còn Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh, điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch đã có kết quả tích cực. Sau những gì Việt Nam trải qua, đã đến lúc tỉnh cần thay đổi suy nghĩ và hành động trong việc phòng, chống dịch nhắm đến cốt lõi là đời sống xã hội và sức khỏe con người, chứ không nên nhìn vào con số và tiếp tục phong tỏa nữa - các DN kiến nghị.

Giải pháp sản xuất an toàn

Dẫn chứng việc một số tỉnh/thành phía Nam có kế hoạch cụ thể với việc phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, song song với việc thực hiện tiêm vắc xin toàn dân, điển hình như Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp,... từ đó, đại diện các DN đã gửi kế hoạch phục hồi sản xuất tới lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Các DN đề xuất, cần ưu tiên trở lại làm việc trước hết cho người lao động ở các “vùng xanh” hoặc không bị phong tỏa, sẽ không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, có bệnh nền đang sống chung với F0).

Về xét nghiệm, DN tự xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm xét nghiệm định kỳ. Định kỳ tổ chức xét nghiệm test nhanh (3 ngày/lần) hoặc phương pháp RT-PCR (7 ngày/lần) đối với lao động thường xuyên tiếp xúc bên ngoài (quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng... ). Số lao động còn lại được luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, mỗi lần ít hơn 20% lao động (đảm bảo xét nghiệm cho toàn bộ các chuyền, xưởng... ).

Sau khi hoạt động ổn định và xác định tình hình dịch bệnh tại DN chắc chắn an toàn, sẽ kéo dài thời gian xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Việc xét nghiệm vẫn do cơ quan y tế đảm trách.

Về các biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất, DN sẽ yêu cầu tuân thủ 5K tại nơi làm việc, người lao động sẽ phải đeo khẩu trang mọi lúc trừ lúc ăn. Giãn thời gian công nhân đến và rời DN để phân luồng, giảm mật độ tập trung đông người. Bố trí cồn rửa tay ở tất cả mọi nơi có sự hiện diện của hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người lao động.

Bên cạnh đó, DN đảm bảo không có sự giao lưu, ăn uống hoặc trộn lẫn công nhân giữa các phân xưởng/dây chuyền sản xuất. Các đơn vị sẽ bố trí vùng đệm an toàn cho các bộ phận cần tiếp xúc với nhau.

Ví dụ: một phòng/khu vực trống giữa hai xưởng/chuyền/bộ phận để giao nhận đồ mà không gặp mặt nhau ở khoảng giãn cách. Với các dây chuyền không thể đảm bảo khoảng cách 1 hoặc 2 mét do đặc thù dây chuyền sản xuất, trang bị kính bảo hộ mặt cá nhân cho từng lao động; hạn chế nói chuyên; không ăn uống tại dây chuyền sản xuất.

Đặc biệt, DN bố trí khu vực cách ly tạm thời cho những trường hợp nghi nhiễm F0, F1 và người có liên quan tại DN trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý. Các công ty sẽ có bộ phận y tế làm nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19 tại chỗ. Khi phát hiện ca nhiễm, DN chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (tức nơi có F0, F1) chứ không phải toàn bộ nhà máy.

Trần Chung

Lớn hụt kiểu lớn, nhỏ thiếu kiểu nhỏ: Bài toán đau đầu ở Sài Gòn

Lớn hụt kiểu lớn, nhỏ thiếu kiểu nhỏ: Bài toán đau đầu ở Sài Gòn

Chỉ riêng tại TP.HCM, 5 tháng qua, số công nhân dừng hoạt động lên tới 500.000 người, nhiều người bỏ phố về quê. Thực tế này khiến DN ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đau đầu tìm lời giải cho bài toán nhân lực lao động.