Tuy nhiên, thông tin mới đây cho thấy vẫn có nhà đầu tư quan tâm đến dự án này; cùng với đó kinh nghiệm từ giải cứu PVTex cho thấy, nếu tìm được nhà đầu tư tiền năng, dự án sẽ có hy vọng. Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã có trao đổi xoay quanh vấn đề này.
Ông nhìn nhận thế nào về việc tăng tổng mức đầu tư ở Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên?
Dự án này do Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2005 với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.843 tỉ đồng. Do chậm tiến độ nên tháng 4.2013, chủ đầu tư đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh là 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng.
Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam. |
Nguyên nhân của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chủ yếu do khủng hoảng kinh tế khiến giá nguyên liệu, thuế, tiền lương nhân công, chi phí tài chính… tăng và chênh lệch tỷ giá. Gang thép Thái nguyên cũng như nhiều doanh nghiệp đều nằm trong bối cảnh như vậy.
Chủ trương chung của nhà nước lúc đó thì cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và tính toán thế nào cho có lợi nhất. Với dự án này, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), TISCO bàn với phía nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC), thỏa thuận việc phía Trung Quốc chỉ thực hiện phần thiết bị, tư vấn thiết kế, còn bên Việt Nam tiến hành phần xây lắp. Tôi cho rằng đó cũng là giải pháp phù hợp ở thời điểm đó.
Tuy nhiên khi thực hiện thì lại có nhiều vấn đề, vì sao thưa ông?
Sau đó, phía Việt Nam chọn Vinaincon làm nhà thầu phụ thực hiện phần C trong hợp đồng EPC. Có lẽ bắt đầu sai lầm từ đó, vì nhà thầu này không đủ năng lực, không có vốn, thi công kém nên kéo dài mãi.
Phía Trung Quốc cũng giao cho ta khoảng 90% máy móc, nhưng phần thiết bị điều khiển - phần cốt lõi, linh hồn của máy móc thì lại chưa giao. Trong khi đó, phía chúng ta đã thanh toán rất nhanh phần tiền lớn cho Trung Quốc.
Trong phần vốn của TISCO thì VNS cũng có một phần vốn lớn. Nếu TISCO “chết” thì VNS cũng rất tổn thất.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên |
Tuy nhiên, cùng thời điểm này, nếu là tư nhân thì có thể mọi chuyện đã khác. Lúc này, giai đoạn 2 của Hòa Phát cũng cùng quy mô thế này, cùng ký hợp đồng với Trung Quốc và cũng chịu cảnh nâng giá, nhưng họ chấp nhận bỏ tiền túi ra khắc phục và đi vào sản xuất ngay và lãi rất lớn sau đó.
Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 22/4/2013 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ rằng: “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định…”. Việc này cần được hiểu thế nào thưa ông?
Đồng ý về chủ trương trong trường hợp này có nghĩa là đồng ý cho việc tăng vốn. Tuy nhiên, tăng thế nào, làm thế nào để hiệu quả thì chủ đầu tư phải tính toán. Dự án lúc đó đang dở dang, giá cả, nhân công tăng, tiến độ chậm… thì muốn cho nó chạy lại được thì phải đầu tư, còn đầu tư thế nào thì cần phải thiết kế, tính toán kĩ lưỡng. Bên cạnh đó, người duyệt cái thiết kế đó mới là quan trọng.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của TISCO. TISCO phải tính toán và chịu trách nhiệm.
Công việc của VPCP ở đây là tổng hợp ý kiến của các bộ liên quan và trình Thủ tướng chứ họ không tham mưu những vấn đề này, cũng không có văn bản nào thể hiện sự cho phép hoặc chấp thuận đề nghị của TISCO. Do đó, việc xử lý cũng cần xem xét cụ thể quy định của pháp luật, tính đến bối cảnh thực tế và các diễn biến liên quan, đảm bảo xử lý khách quan, chính xác, đúng pháp luật.
Cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý sai phạm tại dự án này, tuy nhiên, giải pháp để vực dậy nhà máy này dường như đang rất bế tắc?
Việc thanh tra, kiểm tra là xử lý sai phạm là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là giải pháp kinh tế để giải cứu dự án này thì chưa có.
Tôi cho rằng vấn đề khó nhất là làm sao cho TISCO tồn tại. Vì dự án gang thép thái nguyên giai đoạn 2 không phải là tất cả. Hiện ở đây vẫn sản xuất hàng triệu tấn thép, hàng trăm nghìn tấn phôi mỗi năm và vẫn làm ăn có lãi, nuôi sống gần 5.000 lao động.
Nếu cứ kéo dài chuyện thế này thì doanh nghiệp này sẽ chết, kéo theo liên đới đến VNS vì công ty này cũng có vốn góp ở đây.
Vậy theo ông đâu là lối ra cho dự án này?
Tôi đã từng theo dõi những tồn đọng của TISCO giai đoạn 2, ảnh hưởng đến hoạt động của VNS và toàn ngành thép. Với kinh nghiệm nửa thế kỷ gắn bó với ngành thép, tôi thấy rằng hiện trạng của TISCO không đến mức bi quan chỉ là... chỉ còn là đống sắt vụn...
Thực tế, công nghệ và quy mô của dự án TISCO giai đoạn 2 vẫn là công nghệ luyện kim truyền thống mà thế giới đang áp dụng (lò cao - lò thổi oxy) chứ không phải lạc hậu. 70% các nhà máy trên thế giới vẫn dùng công nghệ này.
Mấy năm đắp chiếu, cỏ mọc lút chỉ có thể tác động và han gỉ bên ngoài đối với phần cơ. Phần điện vẫn ở trong kho. Linh hồn của nhà máy là phần điều khiển với các thiết bị tự động, hiện đại thì do chúng ta chưa có tiền để trả cho đối tác nhập khẩu nên vẫn chưa được chuyển về tới nhà máy.
Do đó, khi gặp được nhà đầu tư có tiềm năng họ sẽ khôi phục lại nhanh chóng và phần đầu tư thêm sẽ giảm đi chứ không còn lớn như phương án đã trình chính phủ vì chủ sở hữu mới có quyền tìm đối tác mới, cơ cấu lại vốn đầu tư…
Tôi nghĩ cần phải nhanh chóng thoái vốn của VNS khỏi TISCO và quyết liệt triển khai các giải pháp của Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Đây là nút thắt đầu tiên cần tháo gỡ, tạo điều kiện cơ chế và vốn để giải quyết những tồn tại khác của dự án. Thời gian qua đã có nhà đầu tư Việt Nam tham gia nhưng thủ tục kéo dài, phức tạp nên họ đang có ý định rút vốn.
Trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được tiếp tục cho TISCO vay vốn lưu động để duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống cho gần 5.000 công nhân.
Đối với giai đoạn 2, cần xem xét khả năng giảm lãi suất vay trong thời kỳ xây dựng và ưu tiên kéo dài thêm thời gian trả nợ của dự án để giúp TISCO vượt qua khó khăn.
Thanh Lam