LTS: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là chủ trương lớn, xuyên suốt. Trên bình diện cả nước cũng như nhiều địa phương, việc thực hiện chủ trương này thực sự đã đạt được nhiều thành quả. Dễ thấy nhất là hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ngày càng được biết đến một cách rộng rãi, lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động ngày càng cao; hạ tầng cũng như các dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện; tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập và lợi nhuận của một bộ phận nhân dân, các doanh nghiệp ngày càng tăng cao...

Nhưng từ thực tế phát triển du lịch thời gian qua cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ: sự cân bằng giữa phát triển sao cho hài hòa với việc giữ được cảnh quan, môi trường...

Hà Giang là một tỉnh có nhiều danh thắng, phần nhiều còn giữ được sự nguyên sơ. Nếu Hà Giang phát triển hài hòa du lịch với việc bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn môi trường xanh sạch sẽ là chỉ dấu cho nhiều địa phương khác trong bối cảnh việc phân cấp ngày càng sâu rộng. Xuất phát từ cách nhìn đó, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài này.

Đòn bẩy Đồng Văn

Chuyện Panorama ở Mã Pì Lèng thực sự là việc đáng được quan tâm, mổ xẻ thấu đáo. Hà Giang còn nghèo, nhu cầu phát triển là chính đáng. Doanh nghiệp đầu tư vào Mã Pì Lèng đáng được chào đón bởi đáp ứng nhu cầu lưu trú và để ngắm trọn cảnh quan hùng vĩ. Vấn đề là nếu khu vực Mã Pì Lèng được quy hoạch rõ ràng, công trình tuân thủ pháp luật và phù hợp với cảnh quan thì sẽ không có gì phải bàn cãi. Rồi đây đúng sai sẽ được làm rõ, nhưng rõ ràng, Hà Giang với những lợi thế đặc biệt phải tìm ra giải pháp phù hợp để phát triển du lịch.

Năm 2010, huyện vùng cao Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, đây có thể coi là bước ngoặt đánh thức tiềm năng du lịch của Hà Giang.

Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) là một trong những người làm du lịch chứng kiến sự thay da đổi thịt rõ nét nhất trên mảnh đất cao nguyên đá này.

{keywords}
Cao nguyên đá Đồng Văn - đòn bẩy cho du lịch Hà Giang phát triển

Đưa khách từ TP.HCM lên với Đồng Văn đã gần 10 năm nay, hơn ai hết, ông Dũng chứng kiến những nỗ lực của Hà Giang trong việc xây dựng, phát triển thành một điểm đến hấp dẫn du khách, như cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình là các tuyến đường, trạm dừng chân ở cửa ngõ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn,... để khách vừa được nghỉ ngơi thư giãn, vừa được giới thiệu thông tin điểm và cả chụp ảnh check-in. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ mọc lên ngày càng nhiều.

“Hà Giang vẫn đang tu sửa các con đường xuống cấp, như đoạn đầu từ Đồng Văn lên Mèo Vạc; mở rộng đường lên cột cờ Lũng Cú và xây thêm chùa tại đây; làm thêm hệ thống đường đi xuống các bản làng; tổ chức các sự kiện ‘mùa nào thức đó’ để thu hút và giữ chân du khách, như mùa ruộng lúa bậc thang, hoa tam giác mạch, lễ hội khèn, chợ tình,... ”, ông Dũng nhận xét.

Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, với sự nỗ lực của lãnh đạo và người dân địa phương, từ năm 2015 đến nay, lượng khách du lịch đến với Hà Giang mỗi năm tăng trưởng đều đặn trên 10%, riêng năm 2018 đạt 14,6%.

“Du lịch đã có bước phát triển kỳ diệu, từ con số hơn 30.000 lượt khách du lịch đến Hà Giang năm 2010, đến năm 2018 đã tăng trên 1 triệu khách, doanh thu đạt 1.150 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang, công nhận. Việc quảng bá xúc tiến đã có hiệu quả khi khách quốc tế đến Hà Giang là hơn 300.000 lượt, từ 162 quốc gia. 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút 948.470 khách, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ.

Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc nơi đây, những người vốn chỉ quen với ruộng ngô, con lợn, con gà. Bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang), cho hay, nhờ lượng khách du lịch đến huyện vùng cao Mèo Vạc ngày càng đông đảo, trung bình hằng năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6%.

{keywords}
Cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây là điểm hấp dẫn thu hút du khách

Báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đánh giá về phát triển du lịch, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 của tỉnh cho thấy, giai đoạn 2015-2019, địa phương đã huy động 53 tỷ đồng vốn hỗ trợ cơ sở hạ tầng, chi 93 tỷ từ ngân sách địa phương và 500 tỷ nguồn vốn xã hội hóa của các DN đầu tư vào khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Tỉnh đã lựa chọn xây dựng thí điểm 13 mô hình điểm bán hàng là đặc sản địa phương ở các huyện Yên Minh, Đồng Văn, TP. Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang.

Đến nay, một số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách du lịch, như khu danh thắng cột cờ Lũng Cú, khu di tích kiến trúc nhà Vương, phố cổ (Đồng Văn),... Các tuyến đường Quốc lộ 4C (Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc), Quốc lộ 279 (Bắc Quang - Quang Bình),... được nâng cấp thường xuyên.

Mạnh - yếu song hành

Nhờ vị trí và cấu tạo địa chất đặc biệt, cùng với nền văn hóa độc đáo của bà con dân tộc vùng cao, Hà Giang có những địa danh chỉ cần nhắc tới đã thấy hấp dẫn, khiến du khách phải lòng ngay: Cổng trời và núi đôi ở Quản Bạ; Cao nguyên đá Đồng Văn với phố cổ; đèo Mã Pì Lèng cùng hẻm Tu Sản, dòng Nho Quế; cột cờ Lũng Cú; Dinh thự vua Mèo; ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; các mùa lễ hội và cuộc sống đầy màu sắc của đồng bào Mông, Tày, Dao, Giáy, Cờ Lao, Pà Thẻn, La Chí,...

Cũng chính vì vị trí cực Bắc tổ quốc, cung đường độc đẹp nhưng xa xôi và hiểm trở,... nên đây vừa là điểm đến mê hoặc, giữ chân khách dài ngày, ít nhất là 3 nhiều nhất lên tới cả tuần mới có thể trải nghiệm hết, thì đây cũng là cái khó đối với Hà Giang trong việc phát triển hạ tầng, kêu gọi vốn đầu tư và công tác bảo tồn.

Do đó, trong báo cáo của Ban chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, Hà Giang thừa nhận phát triển du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập, kết quả chưa tương xứng tiềm năng. Địa phương thiếu sự đầu tư trọng điểm. Số lượng dự án triển khai còn ít, hiệu quả chưa cao. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú. Nhân lực yếu và thiếu. Cơ sở lưu trú khách sạn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách nhà giàu, khách hạng sang.

{keywords}
Sự việc Mã Pì Lèng Panorama đang đặt ra thách thức trong phát triển du lịch tại Hà Giang

Một ví dụ điển hình là cuối tháng 11/2015, khi Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch đầu tiên tại Đồng Văn, gần 2.000 lượt khách đến Cao nguyên đá mỗi ngày khiến các khách sạn, nhà nghỉ tại Đồng Văn, Mèo Vạc cháy phòng. Để có chỗ nghỉ chân, nhiều du khách phải chấp nhận qua đêm ở nhà dân hoặc những lều trại dựng ngoài trời giữa trời mưa gió, ẩm ướt. Tới năm 2016, địa phương phải chuẩn bị sẵn 160 lều bạt được bố trí tại thị trấn Đồng Văn để đón khách.

Hiện toàn Hà Giang mới có 617 cơ sở lưu trú, với tổng 6.254 phòng, trong đó có 2 khách sạn 3 sao, 16 khách sạn 2 sao, 34 khách sạn 1 sao và 165 nhà nghỉ, 419 homestay,... Vì thế, việc có thêm những khách sạn, nhà nghỉ - như trường hợp của Mã Pì Lèng Panorama - để phục vụ nhu cầu của du khách, phát triển du lịch tại địa phương, là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu.

Với tiềm năng to lớn, ít địa phương nào có, Hà Giang xác định sẽ là địa bàn trọng điểm du lịch của vùng núi phía Bắc giai đoạn 2020-2025. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành trung tâm du lịch quốc gia.

Cụ thể, Hà Giang đặt mục tiêu năm 2020 thu hút 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế là 600.000 lượt, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng. Cơ sở lưu trú đạt 6.500 buồng/phòng, trong đó khách sạn 3 sao trở lên chiếm 11%.

Đến năm 2025, tỉnh thu hút 2,5 triệu lượt khách và 7.300 buồng/phòng, trong đó khách sạn 3 sao trở lên chiếm 13%.

Mục tiêu, kế hoạch đã được lãnh đạo tỉnh đề ra, song, quan trọng hơn cả, như lời ông Trần Thế Dũng là Hà Giang vẫn thiếu một chiến lược dài hơi, một quy hoạch chi tiết phát triển du lịch từng vùng cụ thể.

Chẳng hạn, nếu Hà Giang xác định phát triển du lịch bền vững thì Cao nguyên đá Đồng Văn cần được quy hoạch rõ ràng: nơi nào dành cho tham quan, vãn cảnh; nơi nào để tổ chức lễ hội vui chơi; nơi nào làm khách sạn nhà nghỉ,... không thể lẫn lộn được. Như vậy, vừa phù hợp khai thác dịch vụ du lịch lại không phá vỡ cảnh quan, đặc biệt là tránh được tình trạng phát triển tự phát đến khó xử lý như trường hợp Mã Pì Lèng Panorama. 

Ngọc Hà