Cụ thể, chia sẻ với Dân trí về "siêu" doanh nghiệp có vốn gần 128.000 tỷ đồng (gần 5,5 tỷ USD), đại diện Cục Thuế Hà Nội, đơn vị quản lý dữ liệu thuế của doanh nghiệp nói trên, cho biết một số thông tin tương đối thú vị.
Theo đó, qua tra cứu nhanh nghĩa vụ thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu, cơ quan thuế xác định doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện nộp thuế môn bài.
"Doanh nghiệp được thành lập cuối năm 2018. Trong quá trình hoạt động, họ chưa sử dụng hóa đơn của cơ quan Thuế, chưa phát sinh doanh thu, cho nên không nợ thuế", nguồn tin từ Cục Thuế Hà Nội cho biết.
Theo vị này, hiện tại, doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện các thủ tục tờ khai lệ phí môn bài và đã nộp đầy đủ qua các năm. Doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa có tờ khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp".
Theo đại diện Cục Thuế Hà Nội, giấy phép kinh doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó chủ yếu là bất động sản, phần mềm, bán lẻ vàng, bạc, đá quý, nước rửa trang sức...
Theo quy định của các Nghị định 139/2016, 302/2016, 22/2020 của Chính phủ, mức đóng lệ phí môn bài đối với tổ chức có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên chỉ là 3 triệu đồng/năm, dưới 10 tỷ là 2 triệu đồng/năm. Mức thuế này đủ thấp để cá nhân, doanh nghiệp duy trì đóng đúng hạn hàng năm để thực hiện các mục đích khác (nếu có) của họ.
Về hoạt động quản lý doanh nghiệp "siêu khủng" nói trên, trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, sau nhiều lần phóng viên liên hệ với các lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội, câu trả lời vẫn không có hoặc từ chối trả lời.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có địa chỉ tại số 143 Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tuy nhiên, qua xác minh tại địa chỉ này là khu nhà cấp 4 cửa đóng then cài và một phần khu đất là nơi rửa ô tô, gửi xe ngày đêm.
Đáng nói, liên hệ với số điện thoại trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của ông Bùi Văn Việt, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty đều trong tình trạng khóa máy.
Một điều đáng chú ý là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có liên quan trực tiếp đến cá nhân David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ), người góp số vốn 2,2 tỷ USD (tương đương 51.160 tỷ đồng) vào siêu doanh nghiệp nói trên. Ông này hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Sophy Investments (tại Hoa Kỳ) có hồ sơ rất đáng ngờ vì liên quan đến các cá nhân rửa tiền, các doanh nghiệp hoạt động ở các thiên đường thuế.
Hơn nữa, các doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của các công ty có liên quan đến ông Việt kiều Mỹ David Aristole Phan này từng bị Ủy ban Chứng khoán Malaysia khẳng định không tạo ra lợi nhuận, lừa đảo các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Lập ra từ tháng 11/2018 đến nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu qua 4 năm vẫn không phát sinh doanh thu, phát sinh các nghĩa vụ thuế liên quan. Hoạt động của siêu doanh nghiệp này càng đáng ngờ hơn khi có số vốn điều lệ, đăng ký cực lớn 127.900 tỷ đồng, vượt xa vốn của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, bằng vốn điều lệ của các ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Vietcombank cộng lại.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi thành lập của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Vì sao doanh nghiệp lập số vốn điều lệ lớn như vậy với mục đích gì và có liên quan đến rửa tiền hoặc hành vi lừa đảo có yếu tố nước ngoài hay không?
(Theo Dân Trí)
Ai đứng sau doanh nghiệp tăng vốn lên 128.000 tỷ đồng ở Hà Nội?
Thông tin 1 doanh nghiệp Hà Nội đăng ký tăng vốn lên gần 128.000 tỷ đồng từ tháng 6/2019, trong đó cổ đông nước ngoài góp vốn hơn 51.000 tỷ đang gây xôn xao dư luận