Không phải là mặt hàng xa lạ, với người dân nước ta, việc sử dụng gạo lứt nấu cơm, gạo lứt chế biến thành nhiều món ăn khác nhau dần trở nên quen thuộc, xuất hiện ngày càng nhiều trong bữa ăn của các gia đình. Hay con tằm cũng được nhiều người biết đến để sản xuất tơ lụa từ bao đời nay.

Thế nhưng, gần một năm nay, tại Vị Xuyên (Hà Giang) - huyện biên giới nơi địa đầu tổ quốc, gạo lứt không chỉ để ăn, con tằm không chỉ để làm tơ... mà chúng còn biến thành đông trùng hạ thảo (ĐTHT), mặt hàng bổ dưỡng và có giá đắt đỏ như vàng.

Chia sẻ về câu chuyện biến gạo lứt, con tằm thành “vàng mềm”, ông Phan Văn Đông - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Giang, cho biết, gần một năm nay, Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang” đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao đời sống bà con vùng biên giới của tỉnh.

{keywords}
Gạo lứt...
{keywords}
Con tằm dâu, tằm sắn có thể dùng để nuôi cấy ra đông trùng hạ thảo

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp, cho hay, công nghệ nuôi trồng nấm ĐTHT theo quy mô công nghiệp là công nghệ mới đang được áp dụng, nhân rộng trong nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Song, quá trình nuôi trồng nấm ĐTHT tại Việt Nam là nhân tạo trên giá thể gạo lứt trong môi trường được kiểm soát và điều khiển hoàn toàn bằng máy móc. Thế nên, sản phẩm chưa mang tính thiên nhiên và chưa có tính đặc thù. 

Hơn nữa, hiện chưa có một đơn vị nào kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất ĐTHT. Do vậy, Dự án chuyển giao khoa học cộng nghệ sản xuất “vàng mềm” tại Hà Giang chính là bước đệm, tiên phong tạo sản phẩm chất lượng với dược tính cao đã mở hướng làm giàu cho bà con vùng biên.

“Chúng tôi đặt vấn đề chất lượng là tiêu chuẩn số một, đó cũng là lý do tại sao chúng tôi phải chọn loại ĐTHT sản xuất ở những nơi có điều kiện tốt nhất là Hà Giang”, bà Hà nhấn mạnh.

Theo bà Hà, Dự án giúp cơ quan chủ trì làm chủ công nghệ nuôi trồng nấm ĐTHT trên các giá thể khác nhau trong môi trường nhân tạo cũng như bán tự nhiên; giúp người dân tiếp cận được với kỹ thuật nuôi trồng loại nấm này cả ở trong phòng và bán tự nhiên, đồng thời chủ động về kỹ thuật trong tạo ra nấm ĐTHT trên các ký chủ khác nhau với chất lượng tốt và giá thành rẻ. 

Việc nuôi cấy ĐTHT bán tự nhiên phải đòi hỏi điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho việc nuôi trồng các ký chủ cũng như khả năng phát triển của nấm. Theo bà, tỉnh như Hà Giang được đánh giá có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nấm ĐTHT theo hình thức này, phục vụ nhu cầu phát triển các loại nấm dược liệu.

Ông Đông cũng nhận định, thông qua triển khai Dự án đã đào tạo cho bà con về vấn đề thay đổi tư duy, tập quán canh tác từ những cây giá trị thấp sang những cây có giá trị cao. 

{keywords}
Dự án sản xuất ĐTHT bán tự nhiên thành công mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Hà Giang

Ông dẫn chứng, các hộ nông dân trồng chít lấy sâu, trồng dâu, trồng sắn nuôi tằm có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm thông qua việc bán các sản phẩm như nhộng tằm, tằm tươi, sâu chít cho công ty để nuôi trồng ĐTHT. 

Khi tham gia liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất theo mô hình bán tự nhiên, người dân sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập từ bán con nấm ĐTHT. Từ đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, người dân bản địa tại khu vực miền núi của tỉnh Hà Giang. 

“Dự án thực hiện thành công góp phần mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu sạch cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nấm ĐTHT chất lượng cao. Sản phẩm chế biến, sản phẩm tinh có hàm lượng Cordycepine cao được đầu tư nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa”, ông Đông nói.

Mỗi năm Chi nhánh Công ty CP Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam - đơn vị phối hợp thực hiện Dự án - dự kiến thu về từ 1,5-2 tỷ đồng từ việc nuôi trồng nấm ĐTHT trên môi trường gạo lứt và trên các ký chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn tương ứng với 20.000 con nấm ĐTHT, ông cho hay. 

Về khả năng cạnh tranh của sản phẩm ĐTHT khi đưa thị trường tiêu thụ, ông Đông cho hay, Viện Di truyền nông nghiệp đã áp dụng công nghệ nuôi cấy Invitro - được coi là công nghệ nuôi cấy tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Nhờ đó, sản phẩm có hàm lượng Axit Cordyceptin cao, có tác dụng chống ung thư và nhiều dược tính tốt cho sức khỏe, làm đẹp.

Ông cũng mong muốn, với sản phẩm ĐTHT chất lượng cao tại địa phương sẽ hỗ trợ phục vụ trực tiếp các đối lượng tiêu dùng với giá cả hợp lý. Từ đó, tạo cơ hội phát triển, mở rộng quy mô cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Băng Dương