“Việt Nam có lẽ như đang rất thành công để trở thành “thiên đường” của những dự án ô nhiễm”, ông Đỗ Thiên Anh tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ.
Nhiều ngành ô nhiễm đổ vào Việt Nam
Nhắc đến những đại dự án thép như Formosa ở Hà Tĩnh, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, chắc chắn không dễ đầu tư sang các nước có những tiêu chuẩn cao về môi trường.
Chẳng hạn như Úc, dù có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới nhưng nước này không khuyến khích và chào đón những dự án thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Nếu phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường và chuẩn xả thải đi cùng với nhiều loại thuế và phí môi trường “cao ngất”, các hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm sẽ không thể hiệu quả và buộc đóng cửa hoặc di dời ra nước khác.
“Với những tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, Việt Nam có lẽ như đang rất thành công để trở thành “thiên đường” của những dự án ô nhiễm”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đang tiến hành một nghiên cứu về giảm thiểu tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Nghiên cứu sơ bộ cho biết, ngày càng có nhiều dấu hiệu FDI trong các lĩnh vực gây nhiều ô nhiễm đầu tư vào Việt Nam như dệt, da giày, hóa chất…
Kết quả thu hút thời gian qua cho thấy, 67% DN FDI đang hoạt động ở VN là thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp; công nghệ thấp; tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao…
Đặc biệt, từ năm 2010 trở lại đây, các dự án “khủng” có vốn của Trung Quốc (tính cả Đài Loan, Hồng Kông) dồn dập vào Việt Nam, từ loạt dự án ngấp nghé “tỷ đô” trong lĩnh vực sợi, nhuộm, dệt may ở Quảng Ninh, cho đến sắt thép gần 10 tỷ USD ở Hà Tĩnh, sản xuất giấy bao bì ở Bình Dương vốn 1 tỷ USD…
Đáng chú ý từ năm 2014 đến nay, để đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, các dự án FDI nói chung và của Trung Quốc nói riêng ào ạt đổ vào sợi, nhuộm, dệt may, hình thành những khu công nghiệp dệt may quy mô “khổng lồ”.
Trước làn sóng này, cuối năm 2015 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải lên tiếng cảnh báo. Trong văn bản gửi đến các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các khâu sản xuất nhuộm, dệt nhuộm ở những khu công nghiệp này có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Cơ quan này đề nghị các địa phương cần cân nhắc kỹ khi thành lập các khu công nghiệp dệt may.
Môi trường là không thể đánh đổi
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.
TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nếu DN sử dụng công nghệ tốt thì khả năng gây ô nhiễm môi trường ít hơn, hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải cũng sẽ tốt hơn. Và ngược lại, dự án sử dụng công nghệ thấp thì khả năng tiêu dùng năng lượng lớn hơn, rủi ro ô nhiễm môi trường tất nhiên sẽ cao hơn.
“Hầu hết DN ở các nước phát triển hơn đầu tư vào nước kém phát triển hơn thường sử dụng công nghệ thấp hơn ở nước họ. Đó là một thực tế khách quan. Nhưng nếu công tác quản lý tốt thì khả năng kiểm soát công nghệ họ sử dụng, hạn chế tác động xấu tới môi trường cũng tốt hơn”, TS Nguyễn Mạnh Hải chia sẻ.
Song, ông Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng hiện Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ ràng công nghệ nào là lạc hậu không được đầu tư vào VN, công nghệ nào là không lạc hậu. Bộ KH&CN mới chỉ có quy định về máy móc, trang thiết bị cũ nhập vào Việt Nam mà thôi.
“Câu hỏi của tôi là “nghèo” thì có nhất thiết là phải “ăn bẩn” giống như câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm không?” - Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn trăn trở khi nhắc đến những đại dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường sống.
TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Không nên đánh đổi môi trường lấy những lợi ích trong ngắn hạn! Bởi vì môi trường là điều rất quý giá”.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hải, những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường thường rất khó khắc phục, có những hậu quả gần như không khắc phục được, hoặc phải mất nhiều chi phí và trong một thời gian rất dài.
“Trong các dự án đầu tư, chúng ta thường không đánh giá hết được cái giá phải trả cho môi trường nếu xảy ra ô nhiễm. Đến khi xảy ra rồi mới thấy hậu quả có thể lớn đến chừng nào”, TS Nguyễn Mạnh Hải lưu ý.
Những dự án FDI lớn chỉ có thể tốt nếu như vấn đề môi trường được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, TS Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, những dự án lớn có khả năng gây ô nhiễm phải rất cẩn trọng vì trong giai đoạn đầu thường chưa biểu hiện nhiều. Càng về sau khi quy mô sản xuất tăng lên, khả năng gây ô nhiễm ở những dự án ấy càng nhiều hơn.
Điều này đòi hỏi khả năng kiểm soát, khả năng khắc phục những sự cố liên quan đến môi trường ngay từ khi mới phát sinh là rất quan trọng. Quan trọng hơn cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt từ khâu phê duyệt, chấp nhận dự án với những đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, tuân thủ thực sự đầy đủ các qui định về pháp luật môi trường. Đôi khi những dự án nhỏ hơn, lợi ích kinh tế dường như ít hơn nhưng bảo vệ môi trường tốt hơn thì về dài hạn lại là những dự án có lợi ích kinh tế cao hơn những dự án lớn mà nguy cơ ô nhiễm cận kề.
“Tôi nghĩ không nên đánh đổi vấn đề môi trường lấy bất cứ điều gì trong ngắn hạn để đảm bảo phát triển bền vững”, TS Nguyễn Mạnh Hải khẳng định.
Hà Duy