Rất nhiều người Việt cười khẩy với dự báo của PwC rằng năm 2050 Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới.

Đó là nội dung mà doanh nhân Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT FPT đưa ra trong những phân tích về tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

{keywords}
 

Theo ông, rất nhiều người Việt nhất định không tin dự báo của CEBR (UK) rằng năm 2035 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á (tính theo giá thị trường hiện tại, không phải tính theo PPP - ngang giá sức mua). 

Dự báo ấy có nghĩa rằng đến năm 2035 nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 1.539 tỷ USD, đứng thứ 19 thế giới, đứng trên Thái Lan (21), Philippines (22), Malaysia (28) và Singapore (40). Không những thế còn đứng trên cả Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Israel, Ba Lan, Hungary, Czech, Rumani, Na Uy, Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Bỉ, Argentina, Bồ Đào Nha, Đài Loan, UAE, Nam Phi.

"Đúng là tranh luận về tương lai 15-25 năm nữa, về những con số và thứ hạng kinh tế của tương lai thì hiển nhiên mỗi quan điểm đều phụ thuộc rất lớn vào góc nhìn của mỗi người, rất khó thống nhất. Vậy thì cách tốt nhất là chúng ta hãy xem trong quá khứ 25 năm qua chúng ta đã làm được cái gì?", ông Đỗ Cao Bảo lập luận.

{keywords}
Ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT FPT

Những con số kinh tế kỳ diệu của Việt Nam sau 25 năm qua

Đây là số liệu năm 1995 và 2020 của kinh tế Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận:

Năm 1995: 

1) GDP đầu người: 358,7 USD, đứng thứ 175/195 quốc gia, là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới.

2) GDP quốc gia: 26,4 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 58 thế giới, thứ 6 Đông Nam Á.

3) Viettel là công ty kéo cáp thuê cho VNPT; Vin Group, Thế giới di động, Trường Hải, Vietjet, Sun Group, Masan chưa ra đời; FPT, Hoà Phát, Doji, VPBank, Techcombank chỉ bé bằng 1/100 các tổng công ty và các ngân hàng nhà nước.

Năm 2020 (Sau 25 năm):

1) GDP đầu người: 3.497 USD, đứng thứ 121/195 quốc gia.

2) GDP quốc gia: 340,6 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á.

3) Viettel, FPT là công ty Viễn thông và công ty IT lớn nhất Đông Nam Á. VPBank, Techcombank lợi nhuận đã lớn hơn cả BIDV và Agribank. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng 40% GDP, chiếm 85% lực lượng lao động.

Số liệu trên đã chỉ ra rằng sau 25 năm, thu nhập đầu người Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng (từ 175 lên 121, trong Asean vượt qua Philippines) và về qui mô nền kinh tế lớn gấp 12,9 lần, vượt qua 21 quốc gia (trong Asean có Singapore và Malaysia).

Điều đó có nghĩa rằng 25 năm qua (1995-2020) chúng ta đã làm được kỳ tích. Việt Nam đã đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về qui mô lẫn mức sống của người dân, tăng 21 hạng về qui mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người (thịnh vượng) trên bảng xếp hạng các quốc gia.

{keywords}
Biểu đồ đi kèm: thứ hạng 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2035 của CEBR (UK): Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Indonesia, Brazil, Nga, Hàn Quốc, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, Saudi Arab, Hà Lan, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan...

Vậy vì sao không dám mơ, Việt Nam sẽ làm được những điều tương tự?

"Thế thì lẽ nào chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 25-30 năm tới chúng ta cũng làm được điều tương tự. Miễn là chúng ta phải có khát vọng đủ lớn, tiếp tục đổi mới, cải cách về thể chế, tiếp tục tự do hoá nền kinh tế, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa", ông Đỗ Cao Bảo viết.

Theo ông, khi rất nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo triển vọng tươi sáng và vị trí đáng tự hào của kinh tế Việt Nam trong 15-25-30 năm nữa thì thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam chúng ta là bàn cách làm sao biến các dự báo ấy trở thành hiện thực.

Đặc biệt là hãy tích cực tham dự, là một phần của quá trình đổi thay kỳ diệu ấy chứ không phải là người đứng bên lề rồi hoài nghi hay cười khẩy.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)