Hôm nay 19/7, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh chính thức đưa ra xét xử vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.100 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Chúng tôi xin điểm lại những những điểm quan trọng của vụ án để độc giả tiện theo dõi.

Rút ra hơn 12.000 tỷ, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.100 tỷ

Trong vụ án này, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã thực hiện 7 phi vụ rút tiền tổng cộng 12.057 tỷ đồng ra khỏi VNCB và khiến ngân hàng thiệt hại 9.133 tỷ đồng.

Cụ thể, trong việc làm khống hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking rút ra và làm thiệt hại 62,276 tỷ đồng.

Vụ lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành, P15, Q.10 Tp.HCM rút ra 201,6 tỷ đồng nhưng đã hoàn trả được 20 tỷ đồng và còn thiệt hại 181,6 tỷ đồng.

Lập hồ sơ khống thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh, P12, Q10 TpHCM rút ra và làm thiệt hại 400 tỷ đồng.

Rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản nhóm Trần Ngọc Bích 5.190 tỷ đồng

Rút 300 tỷ đồng khỏi ngân hàng không có hồ sơ vay (liên quan đến 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân thuộc nhóm Dr Thanh) làm thiệt hại 300 tỷ.

{keywords}

Rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, gây thiệt hại 903 tỷ đồng.

Nâng khống giá trị các tài sản đảm bảo để vay trực tiếp tại VNCB 5.000 tỷ đồng. Khoản tiền này đã tất toán 300 tỷ đồng, có tài sản được định giá có lợi nhất cho bị can trị giá 2.605 tỷ đồng, VNCB thiệt hại 2.096 tỷ đồng.

Làm giả hồ sơ, nâng khống tài sản, chi trả lãi suất vượt trần…

Trong các hành vi rút tiền và gây thất thoát hơn 9.000 tỷ cho VNCB có thể thấy rõ các sai phạm đó là làm giả hồ sơ, nâng khống tài sản, chi trả lãi suất vượt trần.

Trong đó, Phạm Công Danh đã cho làm giả hồ sơ để rút tiền qua việc nâng cấp hệ thống corebanking; nhờ người thân và lập ra các công ty “ma” để gửi tiền của VNCB sang ngân hàng khác rồi rút tiền về.

Liên quan bất động sản, Phạm Công Danh làm khống hồ sơ để thuê trụ sở trong 20 năm nhưng chi trả một lần với số tiền hơn 600 tỷ đồng hay nâng khống giá trị các lô đất tại Đà Nẵng làm tài sản đảm bảo để vay VNCB 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong các lời khai liên quan đến việc rút tiền của ngân hàng còn nhắc đi nhắc lại chủ trương chi trả lãi ngoài để hút người gửi tiền của lãnh đạo VNCB. Điển hình như khoản tiền gửi của nhóm bà Trần Ngọc Bích, Danh khai chi trả lãi thêm 2-4%/tháng tùy từng thời điểm và đã chi trả tới 2.500 tỷ đồng lãi ngoài.

20 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng, 16 bị can còn lại là Tổng giám đốc, Giám đốc các công ty

Theo kết luận điều tra, Phạm Công Danh nắm giữ tới gần 85% vốn của VNCB (sau khi nhận chuyển nhượng từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) và có quyền quyết định đối với toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Trong đại án, ông Danh cũng là người chịu trách nhiệm chính, các bị can còn lại chỉ là người làm thuê cho Danh, là nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh.

Trong 36 bị can thì Phạm Công Danh và Phan Thành Mai là hai người giữ trọng trách cao nhất tại Ngân hàng Xây dựng. Cả thành viên Hội đồng quản trị Mai Hữu Khương và trưởng Ban kiểm soát Nguyễn Quốc Viễn cũng bị truy tố. Tổng cộng có 20/36 bị can nguyên là cán bộ của Ngân hàng Xây dựng.

Những bị can còn lại đều là sếp của các công ty được lập ra hoặc được dùng để phục vụ lợi ích của Phạm Công Danh. Đáng chú ý, vì là các công ty “ma” nên có người là lái xe, là bảo vệ ở Tập đoàn Thiên Thanh cũng được…bổ nhiệm làm Giám đốc.

"Nhân vật" Trang Phố Núi

Ngoài ra, một nhân vật được nhắc tới nhiều trong đại án này là Phạm Thị Trang (tức Trang Phố Núi). Tuy nhiên, Phạm Thị Trang đã xuất cảnh ra nước ngoài từ 29/7/2014 nên không lấy được lời khai của Phạm Thị Trang mà chỉ có lời khai của Phạm Công Danh, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, cơ quan công an thấy không đủ chứng cứ, căn cứ để xử lý hình sự.

Theo lời khai của các bị can nói trên thì trong vụ rút hơn 63 tỷ đồng do lập hồ sơ nâng khống hệ thống corebanking, Phạm Thị Trang là cố vấn cho Phạm Công Danh. Công ty An Phát của ông Phạm Việt Thép (là nhân viên Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Lam Giang, là anh trai của Phạm Thị Trang) lập ra để cho Danh mượn pháp nhân hợp thức hóa việc ký hợp đồng nâng cấp hệ thống corebanking nhằm rút tiền của VNCB.

Còn trong vụ liên quan rút 5.190 tỷ đồng không có chữ ký của nhóm Trần Ngọc Bích, Phạm Thị Trang cũng góp mặt.

Cụ thể, Trang Phố Núi là người mời Trần Ngọc Bích gửi tiền ở TrustBank (tên cũ của VNCB) và Trần Ngọc Bích đồng ý. Khi muốn vay tiền thì Trang thỏa thuận, thống nhất với Trần Ngọc Bích việc cầm cố sổ tiết kiệm, điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định và đến hạn trả nợ thì Trần Ngọc Bích thống nhất với Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do Bích chỉ định. Trong thời gian này, hai bên đã đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB, trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Danh. Các khoản vay của nhóm Bích sau đó đã được tất toán, nhưng đến cuối tháng 8/2013 khoản tiền 5.190 tỷ đồng trong nhóm tài khoản của Bích lại bị rút ra không có chữ ký của chủ tài khoản và chuyển sang tài khoản của Danh.

"Phá nát" ngân hàng

Theo cáo trạng, kể từ khi nhóm của Phạm Công Danh quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngày 10/7/2012 của NHNN thì tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.

Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, ngân hàng ghi nhận lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.

(Theo InfoNet)