Nhiều dự án FDI “khủng” đổ về Hà Nam

Tháng 5/2019, Tập đoàn Teijin - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư đến từ Nhật Bản được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép đầu tư dự án 12 triệu USD tại KCN Đồng Văn III. Dự án sẽ sản xuất sợi carbon cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, công nghiệp ô tô, kỹ thuật nhựa, y tế, thể thao…

{keywords}
 Tập đoàn Teijin (Nhật Bản) nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Hà Nam

Trước đó, Yokowo, một doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản chuyên gia công lắp ráp và sản xuất thiết bị liên lạc trên xe có động cơ, và nhiều công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc khác đều lựa chọn Hà Nam là điểm dừng chân. 

Riêng trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 82 doanh nghiệp Nhật Bản và 108 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại đây; trong đó, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả.

Trên thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các tỉnh khu vực miền Bắc như Hà Nam ngày càng tăng, giúp các địa phương này nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút đầu tư bên cạnh Hà Nội.

Trong khi đó, theo hãng tư vấn dịch vụ bất động sản JLL, làn sóng các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các khoản đầu tư dự báo sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là về những thành phố công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.

Hà Nam với vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội, gần cảng Hải Phòng, giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực rất thuận tiện theo đó trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư lớn. Hơn nữa, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như: có quỹ đất công nghiệp sạch, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề; công tác an ninh trật tự được bảo đảm; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ...

Mạng lưới KCN đồng bộ hấp dẫn nhà đầu tư

Tính đến tháng 9/2019, Hà Nam có 8 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong đó mới nhất là là KCN Đồng Văn III. Các KCN đã và đang hoạt động đều đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế, với diện tích  gần 1.600 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 1.100 ha. Việc cung cấp các dịch vụ điện, nước, viễn thông đã đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của nhà đầu tư; chất lượng ngày càng được nâng cao. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp được duy trì, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của doanh nghiệp. Các dịch vụ tiện ích như nhà ở, siêu thị, dịch vụ vận tải đưa đón công nhân cũng được cải thiện đáng kể… Hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bảo vệ, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong các khu công nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, chú trọng phát triển hạ tầng cơ sở, các chính sách thu hút đầu tư của Hà Nam được thực hiện khá đồng bộ, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp chính quyền. Một số cam kết mà tỉnh đã “nói được, làm được” như Cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho doanh nghiệp; Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; Cung cấp các thủ tục hành chính, thủ tục thuế ứng dụng trên nền tảng điện tử mang lại sự thuận lợi, chính xác; Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp gồm: cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải cho các doanh nghiệp; Đảm bảo an ninh trật tự…

Ngoài các yếu tố quan trọng để nhà đầu tư yên tâm sản xuất, thành công trong thu hút FDI của Hà Nam còn đến từ chính sách nhất quán và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Một yếu tố quan trọng nữa là “bộ lọc” ngay từ đầu vào để lựa chọn đúng đối tượng phù hợp với chủ trương thu hút FDI của tỉnh.

{keywords}
Các KCN tại Hà Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thủy- Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền sẽ ưu tiên và tăng cường giám sát trong thời gian tới là quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, phải kể đến như các vấn đề về môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý rác thải, tiêu thoát nước, an ninh.

“Trong thời gian tới, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ trong Khu công nghiệp, nhất là chất lượng cung cấp điện, nước, hạ tầng giao thông; tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động để thu hút đầu tư hiệu quả vào Khu công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển”, bà Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Phương Dung