Lo ngại trước những hệ lụy nghiêm trọng của việc thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cần duy trì tiêu hủy thuốc lá nhập lậu.
Kiến nghị này được đưa ra sau khi chương trình thí điểm đấu giá thuốc lá lậu có chất lượng vừa được Chính phủ đồng ý về chủ trương.
Cụ thể, ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3825/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Theo đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất. Thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.
Công văn cũng lưu ý, các bộ ngành, địa phương có liên quan phải tổ chức kiểm soát việc tái xuất này để tránh thẩm lậu trở lại. Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu không đảm bảo chất lượng thì sẽ phải tiêu huỷ như quy định hiện hành.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công Thương soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về vấn đề này.
Cũng theo công văn trên, việc đề xuất hướng xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu như vậy là trên cơ sở đề nghị của các tỉnh Long An, An Giang và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản nêu ra nhiều ý kiến lo ngại về việc triển khai thí điểm đấu thầu thuốc lá ngoại nhập lậu như vậy.
Hiệp hội này bày tỏ, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…
Trước đó, bài học kinh nghiệm nhãn tiền sau 2 năm thí điểm tái xuất thuốc lá lậu đã phát hiện nhiều bất cập trong khâu kiểm soát và thực hiện. Hiệp hội cho biết, đơn cử như tại Quảng Trị, lực lượng chức năng đã từng đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ sau một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại nhập lậu này lại thẩm lậu vào thị trường Việt Nam.
Hiệp hội cho rằng, nếu cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam.
Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây và sẽ có thể còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu nhưng bị thẩm lậu trở lại khi thí điểm bán đấu giá, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho hay.
Cũng theo Hiệp hội này, tính khả thi cho việc đấu thầu thuốc lá ngoại nhập lậu có chất lượng là thấp. Vì trên thực tế các năm vừa qua, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thường không đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện bắt buộc để đảm bảo quy chuẩn, chất lượng...
Ví dụ như việc in cảnh báo về tác hại đối với sức khoẻ phải chiếm 50% diện tích mỗi mặt chính của bao thuốc hay việc ghi thời hạn sử dụng... hay quy chuẩn về hàm lượng tối đa Tar trong khói 1 điếu thuốc lá... không đảm bảo.
Theo số liệu thống kê qua các vụ bắt thuốc lá lậu thì có tới 80% các nhãn thuốc lá lậu như Jet, Hero là không đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn trên.
Bên cạnh đó, nếu thí điểm và tiến tới áp dụng việc đấu giá thuốc lá lậu thì lợi bất cập hại, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng trong ngành này, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong ba năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 20,1 tỷ điếu, 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu (tương đương với khoảng 1.055 triệu bao, 1.065 triệu bao và 990 triệu bao), chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam. Tuy nhiên sau khi Chỉ thị 30 và Quyết định 2371, công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao, tiêu hủy 10.147.156 bao. Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2015 ước tính chỉ vào khoảng 14 tỷ điếu (tương đương khoảng 700 triệu bao). Theo Hiệp hội Thuốc lá, việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng, làm lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước phục hồi sản xuất, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỷ đồng (6,2%). |
Duyên Kỳ