Sau quá trình dài thẩm định của các tổ chức, chuyên gia đầu ngành, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã được cơ quan chức năng phê duyệt triển khai.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (Công ty TIC) làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2008 với mức đầu tư hơn 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 3.898 ha. Đến năm 2014, dự án điều chỉnh lại, với mức đầu tư hơn 14.517 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 4.821 ha.
Quá trình thăm dò, khảo sát mỏ sắt Thạch Khê đã được Liên Xô (trước đây), CHLB Đức, các tổ chức quốc tế và Việt Nam phối hợp thực hiện trong những năm 1965-1985. Giai đoạn 2009-2011, Công ty TIC đã thuê các tổ chức tư vấn khảo sát bổ sung, chuẩn hóa tài liệu.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án do Viện các vấn đề quản lý (IPU) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga lập đã được Chính phủ thông qua năm 2005. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt lần đầu vào năm 2008. Trong quá trình triển khai, do xuất hiện một số vấn đề chưa phù hợp nên dự án phải điều chỉnh lại. Báo cáo tác động môi trường và Đề án cải tạo phục hồi môi trường của dự án điều chỉnh đã được Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt vào năm 2013 và được Chính phủ thông qua cùng năm.
Thiết kế kỹ thuật của dự án cũng đã được Bộ Công Thương chủ trì thẩm định từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016, thông qua 3 phiên họp Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, thiết kế kỹ thuật còn được đơn vị tư vấn độc lập nước ngoài là Công ty CBM (Đức) thẩm định.
Tất cả các quá trình trên đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện thông qua các Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở đó, thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-HĐQT ngày 29/4/2016. Như vậy, các thủ tục pháp lý để triển khai dự án đã được TIC thực hiện đầy đủ.
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn, quặng có hàm lượng sắt cao, hệ số bóc đất đá nhỏ (1,76 m3/tấn) dẫn đến giá thành sản xuất thấp. Dự án hoạt động sẽ đem lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội như: cung cấp nguyên liệu cho ngành luyện kim trong nước; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao, tăng GDP cả nước; giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương…
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý. Đối với các vấn đề hạ mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác hay như Caster và xâm nhập mặn; vấn đề cát bay, cát chảy, dự án đều đã có các phương án và giải pháp xử lý hợp lý.
Bên cạnh đó, dự án điều chỉnh bổ sung bãi thải lấn biển với mục tiêu giảm độ cao và diện tích của các bãi thải trong đất liền để giảm thiểu hiện tượng sạt lở và phát tán bụi, ổn định cho bờ mỏ phía Đông (do giáp với biển), giảm thiểu quá trình xâm nhập mặn (nếu có) vào mỏ, tăng thêm quỹ đất (923 ha lấn biển). Ngoài ra, với độ cao bãi thải tăng 25m sẽ tạo thành tường chắn khi có hiện tượng nước biển dâng do bão và sóng thần.
Về xử lý nước thải, TIC đã có nhiều giải pháp để xử lý, bảo đảm quá trình thu gom, xử lý và xả thải không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay TIC đang làm thủ tục đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động kết nối với cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh để cùng theo dõi, giám sát quá trình xả thải. Nếu nước thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn sẽ phát hiện để có phương án xử lý kịp thời.
Dự án đã được điều tra, khảo sát, nghiên cứu tỉ mỉ trong quá trình dài và đã được thẩm định bởi rất nhiều chuyên gia đầu ngành về địa chất, khai thác mỏ, tuyển khoáng, môi trường... thuộc các Hội đồng thẩm định khác nhau. Các tổ chức và cơ quan chức năng đã khẳng định dự án đủ điều kiện về pháp lý, khoa học, thực tiễn và tính hiệu quả, an toàn để triển khai.
Một số kiến nghị của các chuyên gia đề nghị thực hiện, bổ sung trong quá trình khai thác cũng đã được Công ty TIC ghi nhận để tiếp tục theo dõi, xử lý kịp thời trong quá trình xây dựng và khai thác mỏ.
(Nguồn: Công ty TIC)