Sáng 25/11, tại TP. HCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” với sự tham dự của 20 đại diện đến từ các bộ, ban, ngành; lãnh đạo 40 địa phương trên cả nước và hơn 200 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành hàng.

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm; hội thảo đã diễn ra cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng, quyết tâm đưa ngành CHHT của Việt Nam phát triển theo định hướng của Chính phủ.

{keywords}

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ nguyên nhân khiến ngành CNHT nước ta chưa phát triển là do nguồn vốn đầu tư chưa thỏa đáng, việc phát triển của các DN còn dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... Hiện cơ cấu giá trị sản phẩm, nhất là sản phẩm công nghiệp nội địa, rất thấp. Với những cơ cấu giá trị sản phẩm lớn thì Việt Nam chỉ mới tham gia khâu gia công. Xác định tính quan trọng của CNHT, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách, tạo cơ chế phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế, tập trung phát triển các ngành CNHT...

{keywords}

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo

Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, ngành CNHT đã đạt được những kết quả bước đầu, ví dụ như đã chủ động nguồn nguyên liệu, ngành da giày nội địa hóa cao; tuy nhiên, kết quả này chưa như mong muốn bởi có nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực sản xuất của DN Việt Nam chỉ chú trọng gia công, chưa chú trọng nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực, vai trò đầu tàu của DN lớn chưa thể hiện rõ.

{keywords}

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam tham luận tại hội thảo

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Hội thảo cần tập trung thảo luận vấn đề phát triển CNHT dựa vào DN trong nước, làm thế nào gắn DN với các nhà khoa học, gắn kết sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy vai trò chủ lực của các DN đầu tàu cùng phát triển ngành CNHT. Vấn đề gì DN cần nhà nước có thể làm được để hỗ trợ ngành CNHT ngày càng phát triển tốt hơn, mạnh hơn, góp phần tăng quy mô cho nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng trong phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn.

{keywords}

Đông đảo đại biểu và doanh nghiệp tham gia hội thảo

Theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương - hiện nay, ngành CNHT tại Việt Nam phát triển khá khiêm tốn. Chẳng hạn trong lĩnh vực CNHT ngành ôtô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Tương tự, trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày: Tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng năm 2015 đạt 51,1%). Ngành da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20- 25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu... Sở dĩ ngành CNHT chưa phát triển là do dung lượng thị trường nhỏ. Ngành công nghiệp vật liệu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế (tín dụng, ưu đãi và hỗ trợ…); các tập đoàn sản xuất, lắp ráp thường sử dụng các nhà cung cấp cùng quốc gia...

Thực tế cho thấy, việc phát triển CNHT hiện rất cần thiết và cấp bách. Năng lực của các DN chế tạo trong nước còn rất lớn. Song còn nhiều điểm chưa gặp nhau giữa chính sách của nhà nước và thực tiễn hoạt động sản xuất của DN. Đặc biệt là những chính sách liên quan đến giảm thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất, hỗ trợ đầu tư bước đầu cho DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Muốn phát triển CNHT, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam - cho rằng, mặc dù là ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, song lâu nay, việc đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày rất yếu. Hiện nguyên phụ liệu giày da mới đáp ứng 65-70%, giày thể thao 54-60%, túi xách 60-65%; thiết bị công cụ giày da chỉ khoảng 6-10%, giày thể thao 8-12%, túi xách 7-12%; về gia công phụ trợ thì giày da khoảng 1-3%, giày thể thao 3-5%... Khó khăn khi đầu tư vào CNHT da giày là nguồn vốn đầu tư rất lớn, từng DN sẽ không kham nổi khi đầu tư riêng lẻ, nguồn nhân lực làm chủ được các công nghệ mới trong ngành CNHT còn thiếu, các chính sách cho ngành CNHT thiếu cụ thể và chưa phát huy tác dụng…

Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam, ông Yoonho Jang - Giám đốc Công ty điện tử Samsung Việt Nam - khẳng định: Chúng tôi luôn coi trọng và tìm kiếm các DN xuất sắc tại Việt Nam. Vai trò của DN Việt Nam rất quan trọng với sự phát triển của DN. Samsung luôn áp dụng các chính sách hỗ trợ đồng nhất với tất cả các nhà cung ứng trên toàn cầu, không phân biệt.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: CNHT ở Việt Nam đã tạo được những bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, CNHT phát triển không như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân: Dung lượng thị trường nhỏ, đi sau phát triển sau, thiếu vốn, nhân lực, công nghệ, trình độ quản trị DN còn hạn chế... Phó Thủ tướng chỉ đạo: Chúng ta phát triển sau, vì thế rất cần sự hỗ trợ cũng như vai trò của các DN đầu tàu, tạo cầu nối để phát triển CNHT, có tâm huyết phát triển CNHT, ví dụ như Samsung.

Ngành CNHT còn nhiều thách thức trước cuộc cách mạng công nghệ thứ 4, cuộc cách mạng công nghệ số sẽ tạo ra những lợi ích to lớn cho các nước phát triển, tạo khoảng cách với các nước chưa phát triển, nếu không có sự đón đầu sẽ tạo thách thức lớn.

Tấn Tài