Chỉ còn vài ngày nữa (20/1), thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về “Điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” sẽ có hiệu lực.
Hàng ngàn người đang bám vào vỉa hè kiếm kế sinh nhai sẽ khó có thể đáp ứng những yêu cầu mà thông tư đặt ra. Nếu không giải quyết được bài toán “vừa đảm bảo quyền kinh doanh buôn bán của người dân, vừa đảm bảo chất lượng thức ăn đường phố” thì có lẽ thông tư này (dù là hết sức cần thiết) nhưng có lẽ sẽ “chết yểu” như bao quy định quản lý hàng rong khác, bởi nhu cầu kinh doanh và sử dụng thức ăn đường phố của người dân là nhu cầu lớn, diễn ra hàng ngày.
Không ai biết?
Chỉ còn 2 ngày nữa là thông tư trên có hiệu lực, song khảo sát của phóng viên cho thấy hầu như những người kinh doanh, bán thức ăn đường phố tại Hà Nội không biết hoặc biết nhưng không nắm rõ những thông tin cụ thể về nội dung của một thông tư mà họ là đối tượng chính được nhắm đến.
Khi được giải thích và nêu một số điểm cơ bản nhất của thông tư như: Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP, chị Hoa, người chuyên bán bún đậu trên vỉa hè phố Giảng Võ – Hà Nội lớ ngớ: “Nếu thế, phải tập huấn ở đâu và vào thời gian nào hả cô?”
Chưa cần câu trả lời, chị đã tìm ra giải pháp: “Lúc nào cấm bán ở đây thì chạy ra chỗ khác. Từ bao lâu nay tôi vẫn vậy rồi. Tôi bán quanh năm ở đây, có tập huấn gì đâu mà khách vẫn an toàn, không ai ngộ độc, đau bụng”.
Ngoài quy định trên còn có quy định: Các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, đảm bảo chống được bụi, bẩn, mưa nắng, côn trùng.
Đại đa số chủ các quán ăn vỉa hè cho biết họ là những người có điều kiện khó khăn, dựa vào bán hàng ăn để kiếm sống hàng ngày. Vì thế, họ không có nhiều vốn để thuê ki-ốt hay cửa hàng, cũng không có nhiều tiền để để sắm đầy đủ các trang thiết bị bảo vệ hay che chắn thực phẩm như quy định đề ra.
Chưa hết, hiện việc quản lý đầu nguồn thực phẩm tươi sống chưa đảm bảo nhưng theo nội dung thông tư thì lại yêu cầu người kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATTP theo quy định.
“Chúng tôi lấy hàng thì người bán hàng cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vậy chúng tôi cũng không thể đáp ứng được yêu cầu này. Nếu lựa nơi có giấy tờ chứng minh xuất xứ để mà mua thì vô cùng khó”, chị Hạnh, chủ quán bún chả trên phố Thành Công (Hà Nội) nhận định.
Khi ban hành thông tư này, Bộ Y tế khẳng định,Thông tư này ra đời không cấm kinh doanh thức ăn đường phố”. Tuy nhiên, làm sao để hài hòa giữa quyền được kinh doanh thức ăn đường phố với việc đảm bảo chất lượng thức ăn đường phố thì thông tư này chưa chỉ ra được.
Không quản nổi
Một câu hỏi đang được đặt ra là hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng ngàn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các gánh hàng rong bán thức ăn chín, vv … Lực lượng nào sẽ đi kiểm tra trên thực tế khi thông tư này được áp dụng?
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong thông tư này và trong luật ATTP thì thức ăn đường phố phân cấp cho chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Họ có có rất nhiều lực lượng có thể huy động để tham gia vào công tác này”.
Bà Tiến cũng khẳng định “Không thể một sớm một chiều giải quyết vấn đề thức ăn đường phố nhưng đây là hành lang pháp lý cơ bản để tiến tới dần tới cái đích là thức ăn đường phố phải đảm bảo vệ sinh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng”.
Theo bà Tiến, tình trạng an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố đã đến mức báo động. “Nếu để buông lỏng thế này thì không biết sẽ đi về đâu, khi mà những quán ăn vỉa hè với một xô nước rửa hàng trăm cái bát, cả người bán lẫn người ăn đều ngồi trong bụi bặm, cạnh cống rãnh như vậy”, bà Tiến nói.
Do vậy, theo bà Tiến, phải quyết tâm tiến tới một bộ mặt khang trang mà vẫn đảm bảo người dân vẫn có quyền kinh doanh.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội đang ráo riết lên kế hoạch để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra khi thông tư này có hiệu lực. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra mỏng, trong khi quán ăn đường phố trải dài kín đặc trong toàn thành phố. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại thông tư này ra đời là đúng đắn nhưng có thể tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” sẽ tái diễn.
Một số nội dung đáng chú ý của thông tư quản lý thức ăn đường phố: - Người đang mắc các bệnh truyền nhiễm không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm (danh sách do Bộ Y tế quy định) thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. - Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về ATTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm. - Các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, đảm bảo chống được bụi, bẩn, mưa nắng, côn trùng. - Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATTP theo quy định. - Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (căng tin, nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể) phải lưu mẫu thực phẩm trong 24 giờ sau khi chế biến. Thực phẩm phải được bảo quản, trưng bày trên giá cao tối thiểu 60 cm cách mặt sàn; có khu vực rửa tay, nhà vệ sinh cách biệt; ít nhất có một bồn rửa tay đủ cho 50 người ăn, có ít nhất một nhà vệ sinh đủ cho 25 người. |
Yến Ngọc