Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan. Trong đó, nội dung đáng chú ý là quản lý thuế đối với các "ông lớn" Google, Facebook, Netflix đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Kiếm hàng tỉ USD nhưng chưa đóng thuế

Mặc dù có nguồn thu "khủng" từ thị trường Việt Nam nhưng những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook hay Netflix vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý cho ngành thuế. Từng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Google, Facebook, Netflix phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỉ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế.

Do vậy, Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, thể hiện tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

{keywords}
Google, Facebook, Netflix được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Họ cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nên phải có nghĩa vụ nộp thuế Ảnh: Hoàng Triều

Do các đại gia công nghệ này không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên Bộ Tài chính đề xuất các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, Netflix được phép nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Các nhà cung cấp nước ngoài sẽ được cấp các mã số thuế 10 số và cơ quan quản lý sẽ xây dựng các quy định về khai, nộp thuế với nhiều phương án, giải pháp khác nhau để họ lựa chọn. Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài.

Ngày 4-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về dự thảo quy định Google, YouTube, Facebook, Netflix… sẽ được nộp thuế trực tuyến, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này đang xây dựng hệ thống tư vấn, kê khai, cung cấp mã số thuế đa ngôn ngữ để tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan về dự thảo thông tư, trong đó có cả các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài để ghi nhận ý kiến phản hồi, từ đó hoàn thiện dự thảo thông tư, phục vụ công tác quản lý thuế tốt hơn.

Phải sòng phẳng nghĩa vụ

Dưới góc nhìn pháp lý, chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết với dự thảo thông tư này, Facebook, Google, YouTube... mặc dù không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng sẽ phải đăng ký thuế, khai thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Đây là phương pháp quản lý thuế mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài không có trụ sở ở nước sở tại kê khai và nộp thuế.

Cũng theo luật sư Thái, đây là cơ sở để phục vụ công tác quản lý bởi khi chúng ta có đầy đủ các quy định thì buộc các "ông lớn" phải tuân thủ, trong trường hợp họ không thực hiện các nghĩa vụ thuế, cần có các biện pháp xử lý cứng rắn hơn. Luật sư Thái cũng kiến nghị cần theo dõi, nắm rõ các giao dịch, thông tin nhằm xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam để kê khai, tính thuế đúng và đủ.

Trong dự thảo thông tư có nội dung đáng chú ý, để phòng trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thuế, dự thảo quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan. Theo đó, trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì các tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật Việt Nam phát sinh mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Nếu cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay.

Như vậy, điều này đặt ra thực tế: Các nhà cung cấp như Google, Facebook hay Netflix nếu "né" thuế thì khách hàng mua dịch vụ phải đóng khoản thuế mà đúng ra các DN này phải đóng. Phóng viên đã đặt vấn đề với đại diện Tổng cục Thuế về việc khấu trừ thuế sẽ như thế nào trên tổng số tiền mà khách hàng thanh toán với bên cung cấp dịch vụ, để tránh trường hợp cá nhân thanh toán bị khấu trừ tiền thuế dẫn đến số tiền thanh toán không đủ trả cho phía nước ngoài và không được cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Vị đại diện Tổng cục Thuế cho rằng đây là vấn đề cần xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo.

Khách hàng ở thế yếu

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng về nguyên tắc, nếu một dịch vụ do nhà cung cấp nước ngoài bán cho người dùng Việt Nam có giá 100.000 đồng thì phía ngân hàng sẽ khấu trừ phần trăm thuế, sau đó chuyển phần còn lại cho phía nhà cung cấp ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế lại ngặt nghèo ở chỗ nhà cung cấp thỏa thuận với khách hàng Việt Nam rằng phải thanh toán đủ 100.000 đồng thì mới cung cấp dịch vụ đó mà không tuân thủ các quy định về quản lý thuế. Do vậy, khi ngân hàng thực hiện khấu trừ theo quy định trên, khách hàng sẽ phải nộp số tiền lớn hơn 100.000 đồng, nhằm sau khi khấu trừ phần trăm thuế, vẫn bảo đảm đủ 100.000 đồng để thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ.

Như vậy, khách hàng đang đóng thay khoản thuế cho các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài. Từ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được cho rằng phần nào đó sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng dịch vụ. "Nếu người dân đồng lòng không sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp nước ngoài không đóng thuế cho Việt Nam thì quá tốt. Mặt khác, người dùng cần thỏa thuận với bên nhà cung cấp về mức giá phù hợp, bởi bên mua phải đóng thuế thay họ" - ông Được nhấn mạnh. Cũng theo vị này, mục tiêu mà cơ quan quản lý thuế hướng đến là các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, Netflix… sẽ tuân thủ việc kê khai, nộp thuế trực tuyến hoặc ủy quyền theo quy định.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái kiến nghị các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để các ngân hàng, trung gian thanh toán thực hiện việc khấu trừ, nộp thay được thuận lợi, dễ dàng, thông suốt, tránh sự phản ứng của khách hàng.

Ngân hàng phải báo cáo hằng tháng

Theo dự thảo thông tư, trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế. Những đơn vị này kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài.

(Theo Người Lao Động)