Nghị định 20 về giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá nhưng lại khiến nhiều DN nhà nước cũng như các DN tư nhân khác phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi hiệu quả của việc chống chuyển giá nhất là với DN khối FDI còn là dấu hỏi thì nguy cơ nhãn tiền khiến DN trong nước thất thế lại rất hiện hữu. Vì thế hàng chục văn bản của DN đã được gửi đến Tổng cục Thuế đề nghị làm rõ.

Doanh nghiệp 'thấm' khổ, Tổng cục Thuế cũng lúng túng

Lo phải đóng thêm trăm tỷ tiền thuế, tập đoàn đồng loạt kêu khó

Gần 40 văn bản phản ánh bất cập của khống chế chi phí vay

Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính về các bất cập của việc khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói rõ: Trong trường hợp phải áp dụng quy định này tại EVN và các đơn vị thành viên, các Tổng công ty phát điện phát sinh số thuế TNDN phải nộp tăng rất lớn. Cụ thể: EVN GENCO 1 nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cũng lo ngại: “Có những công ty dương lợi nhuận kế toán trước thuế nhưng sau khi nộp thuế TNDN sẽ âm lợi nhuận và có những công ty âm lợi nhuận kế toán trước thuế vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn”.

{keywords}
Nhiều DN có thể phải nộp thêm hàng trăm tỷ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nói về việc có DN phải nộp thêm hàng trăm tỷ tiền thuế, ông Nguyễn Ngọc Quang, Ủy viên Hội Kế toán hành nghề Việt Nam cho rằng: Điều đó là dễ xảy ra khi chi phí lãi vay được trừ bị khống chế như tại Nghị định 20. Tất nhiên đương nhiên ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN.

Phân tích kỹ hơn, ông Quang cho hay: Xuất phát từ khâu lập dự án sẽ thấy, nếu người ta lập dự án với tỷ lệ 30% vốn tự có, 70% vốn đi vay thì đương nhiên chi phí lãi vay sẽ là rất lớn. Nghị định 20 chống chuyển giá lại khống chế lãi vay chỉ chiếm 20% so với lợi nhuận thuần cộng với chi phí khấu hao thì sẽ là rất ít. Tùy loại hình doanh nghiệp nhưng cơ bản thì lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay của DN gọi là làm ăn tốt nhất cũng chỉ ở mức 30% của doanh thu. Giờ lãi vay được trừ chỉ bằng 20% của lợi nhuận thuần ấy thì quả là con số khá nhỏ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Quang cũng thẳng thắn chỉ ra “quy định này tại Nghị định 20 không mang tính thị trường”.

Theo chuyên gia này, thị trường phải có sự cạnh tranh sòng phẳng, rõ ràng. Riêng những công ty có mối quan hệ liên kết lại khống chế lãi vay của họ thì không khác gì áp đặt chi phí của DN không được nhiều, chỉ được thế này thôi. Điều này làm cho chi phí thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp của DN tăng lên, như vậy DN không thể cạnh tranh được với ai nữa. Trong khi các DN không có giao dịch liên kết lại được tính chi phí được trừ thoải mái hơn.

Thực tế các DN bình thường vẫn bị khống chế về chi phí vay nhưng theo cách thức khác. Ví dụ một DN đăng ký vốn là 5 tỷ đồng nhưng thực tế họ mới góp được 3 tỷ. Do thiếu vốn kinh doanh nên họ đi vay 3 tỷ nữa để sản xuất kinh doanh. Trong 3 tỷ đi vay đó, DN chỉ được tính lãi vay của 1 tỷ đồng, còn 2 tỷ kia coi như bù đắp nốt phần vốn DN đang góp thiếu. 2 tỷ đó không được tính thành chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế mà chỉ được tính 1 tỷ đồng.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc khống chế như vậy “dễ thở” hơn nhiều quy định khắt khe tại Nghị định 20.

Thực tế, tổng kết 1 năm thực hiện Nghị định 20, Tổng cục Thuế hồi tháng 8 năm nay cũng đã có buổi làm việc với đại diện các tập đoàn, tổng công ty để ghi nhận ý kiến trong quá trình triển khai áp dụng. Tổng cục Thuế thừa nhận vướng mắc chủ yếu của Nghị định 20 là nội dung khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 2 điều 8. Đến nay, đơn vị này đã nhận tới 39 công văn của các DN phản ánh vướng mắc khi thực hiện Nghị định 20.

{keywords}
Mục tiêu chống chuyển giá tại Nghị định 20 là rất đúng đắn, tuy nhiên cách thức còn chưa phù hợp.

Phải sửa để phù hợp hơn

Ông Nguyễn Ngọc Quang cũng phân tích rằng việc xác định một DN có giao dịch liên kết hay không cũng không hề đơn giản. Bởi có thể hôm nay DN này góp vốn vào DN kia, nhưng ngày mai họ lại rút vốn ra. Có nghĩa hôm nay họ có quan hệ liên kết nhưng ngày mai lại không còn nữa. Việc này sẽ làm tăng độ phức tạp khi kết luận DN có vi phạm không? Điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc thực thi Nghị định 20, kiểm tra, thanh tra một DN nào đó xem có vi phạm hay không.

Ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam chỉ ra rằng quy định tại Nghị định 20 là không giống với các nước.Quy định về khống chế lãi vay được trừ như tại Nghị định 20, thì các nước OECD chỉ áp dụng cho các DN đa quốc gia, để chống chuyển giá bằng cách dịch chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác nhằm hưởng chênh lệch về thuế suất. Trong khi đó, Việt Nam lại áp dụng cho cả các DN trong nước với nhau.

Sâu xa của quy định này tại Nghị định 20, ông Chung Thành Tiến phân tích: Không phải ngẫu nhiên cơ quan soạn thảo lại làm vậy. Có thể khi cơ quan soạn thảo làm Nghị định 20 này, họ nhận ra vấn đề ở Việt Nam cho ưu đãi thuế tràn lan nên cùng một tập đoàn có nhiều mức ưu đãi. Cho nên người soạn thảo mới đưa ra nội dung khống chế chi phí lãi vay được trừ nhằm ngăn chặn lợi nhuận được chuyển từ công ty không hưởng ưu đãi xuống công ty được hưởng ưu đãi để né thuế.

“Điều đó cũng có cái lý của họ, nhưng làm vậy thì chỉ nên áp dụng cho những DN làm không đúng chứ không nên áp dụng cho các DN làm đúng. Lẽ ra nên chỉnh lại một chút, đó là trường hợp khống chế chi phí lãi vay được trừ này chỉ nên áp dụng cho những công ty, tập đoàn có áp dụng thuế khác nhau. Như vậy sẽ rõ ràng hơn một chút”, ông Chung Thành Tiến góp ý và nhấn mạnh, “Nghị định 20 buộc phải chỉnh sửa lại vì ảnh hưởng đến hàng loạt DN trong nước”.

Hoài Nam

Lo phải đóng thêm trăm tỷ tiền thuế, tập đoàn đồng loạt kêu khó

Lo phải đóng thêm trăm tỷ tiền thuế, tập đoàn đồng loạt kêu khó

Việc khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, các DN lo ngại sẽ phải đóng thêm hàng trăm tỷ đồng, nguy cơ thua lỗ là rất lớn.