Lực bán bắt đầu từ sáng và tăng mạnh dần.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng, thép tiếp tục giảm giá. Cổ phiếu bất động sản cũng quay đầu đi xuống. Nhóm cổ phiếu blue-chips diễn biến xấu với áp lực bán ra rất mạnh.
Trong buổi sáng, trong nhóm VN30 chỉ có Masan tăng 2.600 đồng lên 172.600 đồng/cp và Vietcombank tăng nhẹ 100 đồng.
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm gần 22 điểm.
Áp lực bán tiếp tục tăng lên trong phiên chiều nhưng sức cầu bắt đáy giúp một số cổ phiếu trụ cột khác tăng điểm trở lại, trong đó có Vietinbank (tăng 550 đồng), Phát Đạt tăng 600 đồng, VietJet tăng 1.200 đồng. Masan chỉ còn tăng 1000 đồng lên 171.000 đồng/cp.
GAS, Petrolimex, GVR và KDH đứng giá. Còn lại đều giảm. Chỉ số VN-Index chốt phiên 23/12 giảm 20,71 điểm xuống 1.456,96 điểm. HNX-Index giảm 10,49 điểm xuống 442,61 điểm.
Sức cầu bắt đáy giúp thanh khoản tăng vọt lên 52 nghìn tỷ đồng, chỉ thua kỷ lục 56 nghìn tỷ đồng thiết lập gần đây. Riêng trên sàn HOSE đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu blue-chips đồng loạt giảm. |
Cổ phiếu giảm trong bối cảnh nỗi lo về biến chủng Omicron sẽ ảnh hưởng tới đà hồi phục của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Áp lực bán chốt lời dẫn tới hiện tượng bán mạnh và chuyển sang bán tháo khi VN-Index xuyên thủng đường hỗ trợ MA20 sau 8 phiên gắng gượng trên ngưỡng này.
Mặc dù giảm giá nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn có nhận định tích cực.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng tích lũy lại quanh vùng 1.470 điểm và nhiều khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới.
Agriseco tích cực hơn khi cho rằng nhà đầu tư có thể canh khi chỉ số ở gần vùng nền 1.470 điểm để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Nhìn dài hơn, Agriseco duy trì kỳ vọng Index sẽ vượt khỏi vùng nền đã tích lũy vững chắc này và hướng tới mốc 1.500 điểm, một số nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt nhà đầu tư có thể giải ngân thêm tại các nhịp điều chỉnh như bất động sản, xây dựng, cao su, điện.
Sau phiên giao dịch, nhiều nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào thị trường khi thanh khoản thanh mạnh. Gần đây, dòng tiền của các nhà đầu tư mới F0 đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn. Số lượng tài khoản mở mới đạt kỷ lục hơn 220 nghìn tài khoản trong tháng 11 và hơn 1,3 triệu trong năm 2021 vẫn là động lực chính giúp VN-Index đứng ở mức cao.
Chỉ số VN-Index mất mốc 1.460 điểm. |
Nền kinh tế vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hoạt động đầu tư với hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn và sự bất ổn trên thị trường tài chính và hàng hóa thế giới.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt những con số ấn tượng. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 12 đạt 15,78 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 15,53 tỷ USD.
Từ đầu năm đến 15/12 có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD. Nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,9 tỷ USD. Cán cân thương mại của nước ta thặng dư gần 1,7 tỷ USD.
M. Hà