Hơn 10 năm trước, vào ngày 22/5/2010, lập trình viên Laszlo Hanyecz sống tại Florida (Mỹ) đổi 10.000 Bitcoin lấy hai chiếc pizza của Papa John's.

Ngày 23/3/2021, giá Bitcoin đạt 54.500 USD/đồng, tức 10.000 Bitcoin đã có giá 545 triệu USD. Điều đáng nói là đà tăng giá của Bitcoin có thể không dừng lại ở đó.

Bitcoin đã tăng giá trị hơn 700% trong vòng 12 tháng qua. Hôm 14/3, giá Bitcoin thiết lập kỷ lục mới 61.556 USD/đồng, theo dữ liệu của Coin Desk. Đà tăng giá phi mã đẩy giá trị thị trường vốn hóa của Bitcoin lên hơn 1.000 tỷ USD.

Giới quan sát thậm chí còn đưa ra những dự báo lạc quan hơn đối với đồng tiền này. Một số khẳng định giá Bitcoin sẽ xuyên thủng ngưỡng 100.000 USD/đồng trong năm 2021 và thậm chí đạt kỷ lục 300.000 USD/đồng.

{keywords}
Các chuyên gia liên tục đưa ra những dự báo "trên trời" về giá của Bitcoin. Ảnh: Reuters.

Kỷ lục giá 300.000 USD/đồng

Theo ông Bobby Lee, nhà đồng sáng lập, cựu CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa BTCC, Bitcoin có thể tăng giá lên 300.000 USD/đồng. Ông Lee hiện là CEO của ví kỹ thuật số Ballet.

"Chu kỳ thị trường tăng giá của Bitcoin diễn ra bốn năm một lần và đây là một chu kỳ lớn. Tôi nghĩ rằng giá Bitcoin thực sự có thể lên đến hơn 100.000 USD/đồng vào mùa hè này", ông Lee khẳng định.

Hai trong số chu kỳ thị trường tăng giá được ông Lee đề cập đến đã xảy ra trong vòng tám năm qua. Chu kỳ gần nhất là hồi năm 2017, khi Bitcoin lần đầu thiết lập kỷ lục giá gần 20.000 USD/đồng.

Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới bước vào năm 2021 với mức giá khoảng 30.000 USD/đồng. Tính đến nay, giá Bitcoin đã tăng 85,33% lên hơn 54.429 USD/đồng.

Vào thời điểm đạt kỷ lục giá 61.500 USD/đồng, Bitcoin đã chứng kiến mức tăng hơn 1.000% so với 12 tháng trước đó và 111% tính từ đầu năm. Theo ông Lee, giá trị của đồng tiền này hoàn toàn có thể tăng gấp 10 lần mức giá của ngày 1/1/2021.

Nhà sáng lập BTCC không phải người duy nhất lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin và tiền mã hóa. Chuyên gia Jehan Chu tại công ty thương mại Kenetic (có trụ sở tại Hong Kong) tin rằng giá Bitcoin có thể đạt 100.000 USD/đồng vào quý III/2021. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những biến động mạnh trong thời gian tời.

Các chuyên gia Capital.com cũng dự báo giá Bitcoin sẽ điều chỉnh mạnh sau khi vượt 61.000 USD/đồng. Tuy nhiên, đồng tiền này có thể xuyên thủng ngưỡng giá 100.000 USD/đồng vào cuối năm 2021. Trong khi đó, CEO Richard Byworth của Diginex dự đoán giá tăng lên 175.000 USD cuối năm 2021.

Trong cuộc trao đổi với Zing, giáo sư Layne Hartsell tại Viện châu Á lập luận rằng nếu hoàn toàn thay thế vàng, Bitcoin - vốn được coi là một dạng "vàng kỹ thuật số" - có thể đạt mức giá 500.000 USD/đồng. "Đó chỉ là một khả năng. Tuy nhiên, tôi tin rằng một phần vốn từ thị trường vàng sẽ chuyển sang Bitcoin", ông khẳng định.

"Mùa đông Bitcoin"

Tuy nhiên, ông Lee - cựu CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa BTCC - cũng cảnh báo rằng bong bóng Bitcoin có thể vỡ sau khi đạt đỉnh. "'Mùa đông Bitcoin' có khả năng kéo dài trong nhiều năm và ảnh hưởng đến tiền mã hóa sau đợt tăng giá mạnh", nhà sáng lập BTCC cảnh báo.

"Giá sẽ giảm đi và đó là lúc bong bóng vỡ. Trong ngành công nghiệp tiền mã hóa, chúng tôi gọi đó là 'mùa đông Bitcoin'. Nó có thể kéo dài từ hai đến ba năm", ông nói thêm.

"Các nhà đầu tư nên biết rằng giá trị của Bitcoin có thể giảm tới 80-90% so với mức kỷ lục", ông Lee cảnh báo. Vị chuyên gia thừa nhận giá Bitcoin rất dễ bay hơi, nhưng ông tin rằng rủi ro càng lớn, phần thưởng càng nhiều.

Một số nhà đầu tư cũng phủ nhận vai trò của Bitcoin như hàng rào chống lạm phát hay một dạng "vàng kỹ thuật số". Biến động giá của Bitcoin hầu như không liên quan đến lạm phát.

"Giá không chỉ lên xuống bởi quy luật cung tiền, mà còn bị ảnh hưởng từ yếu tố đầu cơ. Đó là nguyên nhân thị trường Bitcoin biến động gấp nhiều lần thị trường chứng khoán", giáo sư tài chính Cam Harvey tại Đại học Duke bình luận.

Theo các nhà phân tích, biến động giá Bitcoin chủ yếu do những giao dịch đầu cơ. Hầu hết đợt tăng giá lớn nhất của đồng tiền đến từ sự ủng hộ của các tên tuổi lớn Phố Wall, chẳng hạn nhà quản lý quỹ kỳ cựu Paul Tudor Jones và ông chủ Tesla Elon Musk.

Bitcoin cũng có thể đối mặt với các rủi ro pháp lý. Chẳng hạn, hồi giữa tháng 3, Reuters đưa tin dự luật của chính phủ Ấn Độ sẽ hình sự hóa việc sở hữu, phát hành, khai thác, giao dịch và chuyển giao tiền mã hóa. Đây là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới đối với loại tiền này.

{keywords}
Giá Bitcoin giảm ngay sau bài phát biểu của chủ tịch FED hôm 22/3. Ảnh: Coindesk.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng cấm giao dịch và khai thác tiền mã hóa nhằm giảm tiêu tốn năng lượng vào việc đào tiền. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không xử phạt hành vi sở hữu.

Tại hội thảo trực tuyến do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức hôm 22/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell chỉ trích tiền mã hóa "có độ biến động lớn" và "không phải kênh lưu trữ tài sản hữu ích".

Theo ông Powell, những đồng tiền này không được hỗ trợ bởi bất cứ tài sản cơ sở nào. “Nó đúng hơn là một tài sản đầu cơ, thay thế cho vàng hơn là USD", ông nhấn mạnh.

Theo Coin Desk, ngay sau phát biểu của chủ tịch FED, giá Bitcoin giảm xuống dưới 55.000 USD/đồng. Tính tới chiều ngày 23/3 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin giao dịch quanh mức 54.400 USD/đồng, giảm gần 5% so với một ngày trước đó.

(Theo Zing)