"Tín dụng" nhưng đòi nợ kiểu "xã hội đen"

Đã quá hạn 3 ngày, nhưng chúng tôi vẫn chưa hoàn trả được số tiền nợ 10 triệu nên P liên tục gọi điện nhắn tin đe dọa. P cho biết nếu không trả được số tiền gốc, P sẽ tính tiền lãi theo cấp số nhân. Theo đó, mỗi ngày chúng tôi sẽ phải trả cho P 1 triệu đồng. Quá hạn 10 ngày tiếp theo mà không trả hết cả lãi lẫn gốc P sẽ cho đàn em xử lý.

“Chúng mày định tính thế nào? Bao giờ sẽ trả tiền, mày mà không trả tiền đúng hẹn anh xin mày ít tiết…”, tin nhắn của P đe dọa.

Cuối giờ chiều ngày thứ 4, P cho đàn em đến thu 1 triệu tiền gốc. Ngày thứ 5, chúng tôi chủ động gọi cho P để xin khất nợ. P không đồng ý, bắt chúng tôi phải ở nhà để “đàn em” của P đến làm việc. Vừa đến nhà đàn em của P đã đòi thu nợ bằng bộ bàn ghế sofa, phải xin mãi chúng tôi mới được đàn em của P bỏ qua. Đàn em của P bắt chúng tôi phải đi vay mượn xoay sở đủ số tiền lãi trong ngày để đóng cho P. Đồng thời, không quên đe dọa sẽ cắt gân chúng tôi nếu có ý định “chuồn”.

Sáng hôm sau, khi vừa thức giấc thì nhà cửa chúng tôi đã dậy mùi mắm tôm cùng dầu nhớt. Kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhà bị kẻ xấu khủng bố bằng mắm tôm. Biết không thể “dây dưa” được lâu, chúng tôi liên hệ với P để trả cả gốc lẫn số tiền lãi. Ngoài việc phải trả 10 triệu tiền lãi P còn phạt thêm 2 triệu tiền trả chậm.

Bi đát hơn là trường hợp của anh Nguyễn Văn Mạnh (35 tuổi, quê ở Nam Định). Cần tiền để trang trải công việc kinh doanh, đầu năm 2018 anh Nguyễn Văn Mạnh đã cùng người bạn thân tìm đến Hải - một tay anh chị có tiếng trong việc cho vay nóng ở Nam Định. Để vay được khoản tiền 500 triệu đồng, anh M phải viết giấy vay nợ 500 triệu đồng, đồng thời Hải bắt Thắng - người bạn thân đi cùng M ký vào giấy vay tiền với tư cách là người chứng kiến.

{keywords}
Dịch vụ cầm đồ "nở rộ" trên khắp các phố phường của Hà Nội (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo nguyên tắc M phải trả 50 triệu đồng/tháng tiền lãi. Thời gian đầu gắng gượng mãi Mạnh theo trả lãi được 4 tháng, sau cuộc làm ăn không thuận lợi toàn bộ số tiền 500 triệu mới vay đã “bốc hơi” nhanh chóng, Mạnh lại lún sâu vào con đường nợ nần chồng chất. Không có tiền trả nợ, Mạnh bị chủ nợ thúc giục, “chạy đôn, chạy đáo” vay mượn khắp nơi, từ 5/2018 đến cuối năm 2018 anh Mạnh trả cho Hải được gần 500 triệu đồng tiền lãi, trả mãi nhưng số tiền gốc vẫn còn nguyên.

Biết mình đã bị bẫy tín dụng đen lừa, anh Mạnh bỏ quê đi biệt tăm, không tìm được con nợ, Hải liền bắt anh Thắng - người ký vào giấy vay tiền với tư cách người chứng kiến trước đó phải trả tiền.

Dù không phải là người vay và không liên quan gì đến số tiền nói trên nên sau khi bị ép phải trả tiền anh Thắng đã phản kháng. Thế nhưng, nắm được điểm yếu của Thắng là giáo viên lại gia đình gia giáo nên Hải đã sử dụng chiêu trò bẩn, hàng ngày Hải cho đàn em đến khu nhà Thắng treo băng rôn, dùng loa đài để ép Thắng trả nợ thay cho Mạnh.

Khi các biện pháp nhẹ không được Hải cho đàn em ném mắm tôm, dùng điện thoại dọa giết người thân anh Thắng. Chỉ vì bạn mà cuộc sống của gia đình anh Thắng bị đảo lộn. Anh Thắng đã nhiều lần có ý định tìm đến cái chết.

Tương tự là trường hợp của anh Long (36 tuổi, quê ở Hà Nội), gia đình anh lâm vào cảnh “tan cửa nát nhà” vì “dây” với tín dụng đen. Là người có công việc ổn định nhưng vì dính đến lô đề, cá độ bóng đá anh đã vay nóng gần 2 tỷ đồng. Ngôi nhà bạc tỷ mà bố mẹ anh dày công gây dựng cũng phải ra đi để trả nợ cho anh.

Chiêu trò tinh vi

Sơn “hách”- một tay anh chị đang hành nghề trong lĩnh vực tín dụng đen cho biết, những con mồi tìm đến tín dụng đen vay tiền đều đang lâm vào tình cảnh bi đát, cần tiền gấp để giải quyết công việc. Nắm được tâm lý này, dân anh chị cho vay nặng lãi thường ép con mồi vay với giá cắt cổ.

Đầu tiên các đối tượng cho vay nóng sẽ định giá tài sản của khách hàng. Để tránh rủi ro các cửa hàng cầm đồ thường sẽ cầm bằng 2/3 giá trị thực của tài sản. Trường hợp chủ tài sản không quay lại lấy đồ, cửa hàng thanh lý vẫn có lãi.

Trường hợp không có tài sản thế chấp, các đối tượng sẽ cho người dân vay qua chứng minh thư nhân dân, chỉ cần địa chỉ nhà ở, nơi làm việc rõ ràng các đối tượng sẽ giải ngân nhanh chóng.

{keywords}
Tin nhắn P dùng để đe dọa con nợ.

Để đánh lừa người vay, lãi suất sẽ được các băng nhóm tín dụng đen tạo thành ma trận khiến người vay không thể hình dung được mức lãi suất cao cắt cổ mà mình sẽ phải trả. Người vay ăn rồi lo chi trả tiền lãi cũng mệt mỏi.

Cũng theo Sơn, trong giới cho vay tín dụng đen đều là anh chị có số má. Với họ việc cho vay rất dễ dàng chỉ cần chứng minh thư nhân dân không cần tài sản thế chấp. Việc đòi nợ với họ rất đơn giản, quá trình đòi nợ được thực hiện rất bài bản, có kế hoạch và khó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật mà vẫn hiệu quả.

“Đầu tiên, sẽ cho người dùng điện thoại nhắn tin gọi điện đe dọa để tạo áp lực, khiến con nợ hoang mang. Đối với những con nợ không biết điều các đối tượng tín dụng đen sẽ cho người đến tận nhà để đánh đập, đe dọa. Chuyện tạt mắm tôm, dầu luyn, bố trí người đi theo con nợ 24/24h là chuyện thường ngày các chủ nợ thường làm. Đối với con nợ có tài sản, chủ nợ sẽ cho quân đến cưỡng chế thu hồi luôn tại nhà…”, Sơn tiết lộ.

Trường hợp gặp phải con nợ gan lỳ, các đối tượng tín dụng đen sẽ cho người mang quan tài, vòng hoa viếng, dán cáo phó để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ.

Nói về tình trạng tín dụng đen hoành hành, một lãnh đạo Công an Tp Hà Nội cho biết, các tổ chức tín dụng đen thường “núp bóng” dưới hình thức cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp hoặc chỉ cần giữ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay...

Thủ đoạn này của các đối tượng là nhằm để chống đối khi lực lượng chức năng kiểm tra. Khi người dân không có khả năng trả nợ sẽ bị băng nhóm tín dụng đen bắt giữ, tạt mắm tôm vào nhà, cố ý gây thương tích, đe dọa...

* Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi

(Theo GiadinhNet)