Thậm chí có trường hợp mua một căn biệt thự giá mấy chục tỷ đồng còn phải dùng xe bán tải đi chở… tiền.
Hình ảnh một giao dịch mua bất động sản bằng tiền mặt. Ảnh: N.M. |
Chở đầy tiền trên xe bán tải để đi mua nhà
Các nghiên cứu công bố gần đây cho thấy, tiền mặt vẫn là vua ở Việt Nam. 90% giao dịch vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Hầu hết số liệu giao dịch mới chỉ tập trung vào giao dịch cơ bản.
Theo tìm hiểu của PV, những mua sắm có giá trị lớn như bất động sản nhưng rất nhiều người sử dụng phương thức trả tiền mặt.
Ông Phạm Đức Toản, chủ một doanh nghiệp môi giới bất động sản cho biết, hiện nay xu hướng giao dịch tiền mặt trong mua bán bất động sản đã giảm nhưng tỷ lệ vẫn còn khá cao.
Việc thanh toán bằng ngân hàng thường diễn ra nhiều ở trường hợp khách hàng mua trực tiếp từ các chủ đầu tư, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 30-40%. Còn đối với các trường hợp mua bán thứ cấp, sang tay thì lượng giao dịch tiền mặt rất lớn, tới 80%.
“Cứ ra mấy phòng công chứng sẽ thấy, việc đếm tiền nườm nượp, trang bị rất sẵn máy đếm tiền”, ông Toản nói.
Lý giải về thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá nhiều trong giao dịch bất động sản, chủ doanh nghiệp này cho rằng xuất phát một phần do tâm lý của người Việt.
Mang bao tải đi mua bất động sản. Ảnh: VTC. |
“Người Việt ưa thích sử dụng tiền mặt. Thói quen tích trữ tiền mặt và vàng, USD đã ăn sâu vào văn hoá của nhiều người Việt”, ông Toản nói. Hoặc theo ông Toản, có nhiều lý do cá nhân khác khiến họ phải sử dụng tiền mặt…
Chưa kể, khi mua nhà thì nhiều nguồn tiền khác nhau. Nhiều khi là do tiền tích trữ, cộng thêm các nguồn như vay mượn người thân, bạn bè, đồng nghiệp… nên hình thành một lượng tiền mặt lớn.
Việc thanh toán qua ngân hàng chủ yếu là các gia đình trẻ, còn tầng lớp trung niên thường rất hay sử dụng tiền mặt.
Khá thú vị, ông Toản cho biết có những trường hợp mang cả bao tiền, 4-5 người hộ tống đi và di chuyển một quãng đường dài đến mua nhà. Thậm chí, trước có trường hợp mua một căn biệt thự ở Trung Yên giá mấy chục tỷ đồng còn phải dùng xe bán tải đi chở… tiền.
Sử dụng tiền mặt, không chỉ là câu chuyện thói quen, tâm lý...
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng bị coi là khá lạc hậu khi xu thế giao dịch phi tiền mặt toàn cầu chưa được phát triển.
Anh Nguyễn Tuyến, 45 tuổi, vừa mua một căn hộ 2 phòng ngủ giá hơn 2 tỷ đồng ở Hà Nội bằng vàng và tiền mặt. "Tôi trả một phần bằng vàng và phần còn lại bằng tiền mặt. Lý do vì chủ nhà không muốn nhận tiền chuyển khoản”, anh Tuyến cho biết.
Chị Nguyễn Minh, 40 tuổi, sống ở Hà Nội cho biết, việc thay đổi thói quen thanh toán là không hề dễ dàng. Hiện tại gia đình chị cả hai thế hệ vẫn giữ vàng và tiền mặt trong nhà.
"Có lẽ đây là thói quen khó bỏ của nhiều người Việt. Số vàng và tiền mặt tôi đang giữ này sẽ được chuẩn bị cho việc mua nhà vào năm sau", chị Minh cho biết.
Một giao dịch mua nhà được thực hiện bằng tiền mặt. Ảnh: N.M. |
Một vấn đề khác cũng khiến bất động sản là lĩnh vực thu hút nhiều người sử dụng tiền mặt, đó là khoản tiền “chênh”.
Cách đây hai năm, một thông tin gây sự chú ý của dư luận đó là hàng loạt các căn shophouse, biệt thự nằm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội được bán giá gốc của chủ đầu tư chỉ 12 tỷ đồng nhưng khách hàng chỉ có thể mua lại từ nhà đầu tư thứ cấp với giá 30 tỷ đồng.
Câu chuyện “tiền chênh” xuất hiện khá phổ biến trong lĩnh vực mua bán nhà đất. Theo đó, số tiền này không ghi trong hợp đồng và được khuyến khích sử dụng chi trả bằng tiền mặt.
Nếu số lượng tiền “chênh” lên tới 18 tỷ đồng nói trên được trả bằng tiền mặt thì giá trị giao dịch quả thật không nhỏ.
Một số chuyên gia đã từng bày tỏ lo ngại, việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền bất động sản, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản.
Quy định hiện nay, Bộ Xây dựng yêu cầu các sở cần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định.
Theo đó, cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, văn hoá giao dịch ở Việt Nam chủ yếu vẫn sử dùng tiền mặt. Việc báo cáo giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng mới chỉ giải quyết được “phần ngọn”, còn phần gốc chính là việc minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập...
(Theo Dân trí)