Từ kinh tế livestream tỉ đô và thu nhập khủng

Đến thời điểm này, đặt vấn đề ngành kinh tế livestream tại Việt Nam có thể hướng tới giá trị tỉ đô (USD) có lẽ đã lạc hậu. Trên thực tế, điều đó có lẽ đã hiện thực hóa từ khá lâu.

Đơn cử, cơ sở kinh doanh tại Biên Hòa mới bị phát hiện, giá trị hàng hóa lên tới hàng tỉ đồng. Cơ sở này nếu hoạt động quanh năm suốt tháng với hình thức bán hàng qua livestream, doanh thu hoàn toàn có thể nhiều hơn gấp chục lần con số hàng tỉ đồng.

Còn nhớ trường hợp kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại TP.Lào Cai bị cơ quan chức năng triệt phá, cũng bán hàng qua phương thức livestream, mỗi ngày chốt tối thiểu từ 100-200 đơn hàng, có doanh thu năm lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Một trường hợp khác là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội năm 2020, đã bán hàng livestream để làm từ thiện, và chốt được tới hơn 12.000 đơn hàng.

{keywords}
Cơ sở kinh doanh tại Biên Hòa (Đồng Nai) bị cơ quan chức năng phát hiện và kiểm tra. Ảnh: Công an Đồng Nai.

Theo một nhận định của ông Phạm Ngọc Duy Liêm – đồng sáng lập ứng dụng GoStream cung cấp nền tảng livestream – được các phương tiện truyền thông dẫn lại, một hot streamer (người thực hiện livestream để bán hàng hóa, dịch vụ) có thể kiếm được khoảng 350 triệu đồng mỗi tháng.

Anh Song (đã thay đổi tên) làm việc cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam, lương tháng vài ngàn USD. Trao đổi với chúng tôi, anh Song cho rằng: “Thu nhập của em cao nhưng so với thu nhập từ bán hàng online và qua livestream của vợ em cũng chẳng ăn thua. Ngày nghỉ ở nhà, ship hàng (giao hàng) cho vợ phát mệt”.

Cuối năm 2020, vào ngày khuyến mãi 12.12, một doanh nghiệp chuyên bán các loại phụ kiện điện thoại di động tại TPHCM đã chốt được số đơn hàng có giá trị lên đến 13 tỉ đồng chỉ trong vòng 24 giờ.

Đến thất thoát thuế cũng khủng?

Vấn đề thất thoát thuế trong lĩnh vực viết phần mềm (mà chủ yếu là các ứng dụng game, giải trí..) bán trên các kho ứng dụng quốc tế hay làm nội dung đưa lên YouTube để kiếm tiền quảng cáo đã từng được đặt ra. Tuy nhiên, theo anh Song, nếu so về doanh thu và thu thập, hai ngành trên không thể sánh với ngành kinh tế livestream mang lại.

Người viết bài này thử khảo sát chỉ riêng trên sàn thương mại điện tử Lazada. Cùng là một lọ thực phẩm chức năng sản xuất tại Australia, được nhiều chủ shop rao bán với nhiều mức giá khác nhau dao động từ 163.000 đồng - 250.000 đồng, cho thấy biên độ lợi nhuận như thế nào.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều chủ cửa hàng, shop trên các tuyến đường phố chính đóng cửa, lui về nhà và tổ chức livestream để bán hàng online, vừa có thể tiết giảm chi phí thuê mặt bằng không nhỏ nhưng vẫn có thể tiếp cận được khách hàng mới.

Theo một thống kê, thị trường Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm. Tính ra, mỗi ngày có khoảng từ 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng tại Việt Nam.

Đa phần các phiên livestream bán hàng được tiến hành trên nền tảng Facebook. Người dùng chỉ cần chạm vào nút tính năng “trực tiếp” là có thể thấy hàng loạt các livestream bán hàng đang diễn ra.

Tuy nhiên, với ngành kinh tế livestream đang diễn ra sôi nổi, vấn đề được đặt ra là thất thu thuế.

Điển hình qua một số vụ điểm bị triệt phá với các kho hàng xách tay có giá trị lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cho thấy, hàng lậu, hàng nhái, hàng không có hóa đơn chứng từ được bán ra không có hóa đơn kèm theo chính là con đường thất thoát thuế không nhỏ.

(Theo Lao Động)