Theo Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), một cá nhân 9x cùng với Tập đoàn Kido vừa đăng ký tham gia mua đấu giá trọn lô 44,2 triệu cổ phiếu Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) ông lớn số 1 Việt Nam về tinh dầu và hương liệu do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán đấu giá với giá khởi điểm của lô cổ phần là 820 tỷ đồng.

Cá nhân có tên Trần Hoàng Nam (1996) tham gia đợt đấu giá 36,3% cổ phần Vocarimex lần này là một bất ngờ. Ông Nam sinh năm 1996, hiện cư trú ở TP.HCM. Năm 2018, cá nhân này thành lập Công ty TNHH Illumini với vốn điều lệ 700 triệu đồng và giữ chức giám đốc. Công ty này có ngành nghề kinh doanh chính là quảng cáo. Đến tháng 7/2019, anh Nam thôi chức giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này. Ngoài ra, anh Nam còn kinh doanh nhà hàng.

Theo quy chế đấu giá của SCIC, nhà đầu tư phải đặt cọc tối thiểu 10% giá đấu khởi điểm. Do vậy, trong trường hợp này, Trần Hoàng Nam sẽ phải cọc 82 tỷ đồng.

Trước đó, giới đầu tư chứng kiến việc sau khi An Quý Hưng chi 7.300 tỷ đồng thâu tóm xong Vinaconex đã bổ nhiệm tổng giám đốc trẻ 9x.

Trong năm 2018, một ái nữ 9x bất ngờ lộ diện và nắm quyền loạt doanh nghiệp ngàn tỷ của C.T Group, một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM. CTCP Bất động sản C.T (CT Land) đã bổ nhiệm bà Trần Khuê Giao, sinh năm 1995 - con gái ông Trần Kim Chung, vào vị trí Chủ tịch HĐQT công ty này.

Không chỉ đứng đầu một doanh nghiệp bất động sản có vốn tới 4.000 tỷ đồng, bà Trần Khuê Giao còn làm chủ tịch HĐQT và giám đốc vài công ty trăm tỷ đồng khác.

Cũng trong năm 2018, giới đầu tư chứng kiến một nữ doanh nhân 9x thực hiện thâu tóm khách sạn lớn nhất Thừa Thiên - Huế. TCT Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam - Vneco (VNE) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 20,77 triệu cổ phiếu (99,86% vốn) nắm giữ tại CTCP Du lịch Xanh Huế - đơn vị đang sở hữu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao Xanh Huế - cho Công ty TNHH Khách sạn Silk Path và hai cá nhân khác là Bùi Tú Phương và ông Tạ Đàm Hưng, thu về gần 280 tỷ đồng.

{keywords}
Ông Trần Hùng Huy, chủ tịch Ngân hàng ACB.

Trong đó, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path nhận 20,384 triệu cổ phiếu, bà Phương nhận 208.000 cổ phiếu. Đáng lưu ý là nữ doanh nhân Bùi Tú Phương (sinh năm 1992) là giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Khách sạn Silk Path - doanh nghiệp quản lý chuỗi khách sạn Silk Path 4-5 sao, từ Hà Nội cho tới Sapa và giờ là Huế.

Trong khoảng 5 năm gần đây, làn sóng chuyển giao tại các công ty gia đình diễn ra mạnh mẽ. Ông Trần Hùng Huy, được xem là thế hệ kế cận đời đầu, thay cho bố tại Ngân hàng ACB. Bà Đặng Huỳnh Ức My giữ mảng mía đường cho ông Đặng Văn Thành.

Ông Đỗ Minh Phú chuyển phần lớn việc quản lý tại DOJI cho các con, trong đó có Đỗ Minh Đức và Đỗ Vũ Phương Anh. Tương tự, tại SeABank, bà Lê Thu Thủy, con gái bà Nguyễn Thị Nga, đã giữ chức tổng giám đốc từ giữa năm 2018.

Trong năm 2020, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) cũng đã bổ sung con trai chủ tịch Lê Viết Hải là Lê Viết Hiếu (1992) vào HĐQT. Con trai ông Lê Viết Hải tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên môn tài chính doanh nghiệp tại một trường đại học tại California, Mỹ và từng có 2 năm làm chuyên viên tín dụng của Shinhan Việt Nam.

Con gái bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch PNJ) cũng vừa ứng cử vào Hội đồng quản trị CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, là con gái lớn của bà Dung và ông Trần Phương Bình.

Đầu năm 2020, con trai ông Trần Đình Long đã chính thức lộ diện ở Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với một loạt các thương vụ mua cổ phiếu của HPG. Theo đó, ông Trần Vũ Minh đã mua vào hàng chục triệu cổ phiếu, trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều trường hợp chuyển giao được cho là khá thành công như ông Trần Hùng Huy nhà ông Trần Mộng Hùng, ông Đặng Hồng Anh con trai ông Đặng Văn Thành, Đặng Huỳnh Ức My, Lê Dịu Minh… Các thiếu gia, ái nữ nhà các đại gia bắt đầu bước vào thương trường. Và mỗi sự chuyển giao thành công hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều cho nền kinh tế.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 18/12, chỉ số VN-Index tăng lên trên ngưỡng 1.060 điểm.

Theo VDSC, một phiên giao dịch hôm qua với lượng tiền chảy vào thị trường đột biến nhưng vẫn không thể giúp các chỉ số hồi phục. Do đây là vùng sideway tích lũy của thị trường để đi tìm vùng cao mới nên dễ gây ra lo lắng khi thay phiên nhau tăng giảm không ngừng. Và chiến lược phù hợp nhất với thời gian này là giữ vững tâm lý, đồng thời hạn chế việc mua bán liên tục dễ gây ra sai sót trong đầu tư.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, VN-Index giảm 15,22 điểm xuống 1.051,77 điểm; HNX-Index tăng 0,39 điểm lên 172,00 điểm. Upcom-Index tăng 0,04 điểm lên 70,29 điểm. Thanh khoản đạt 15,9 nghìn tỷ đồng.

V. Hà