(VEF.VN) - Các lời cảnh tỉnh phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kích thích tiêu dùng nội địa, chú ý sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu nội địa. Nhu cầu này ngày càng tăng nhanh và đa dạng, tỷ lệ với mức tăng dân số và sự phát triển dân trí, giáo dục. Đây còn là thước đo phẩm chất hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Cân nhắc bài toán xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

Đã có lúc trên thị trường và các chợ xuất hiện các mặt hàng như những trái nhãn, trái bưởi và trái vải to, quy cách đồng đều, thơm ngon, chất lượng cao... mà nhiều năm liền người tiêu dùng nội địa chưa có cơ hội được mua ăn. Hỏi ra mới biết, đó là nhờ hàng xuất khẩu bị "dội" hàng do thương lái nước ngoài ép giá, không chịu mua như cam kết ban đầu bởi khủng hoảng kinh tế..v.v..

Tương tự, các mặt hàng thủy hải sản cũng vậy, khi xuất khẩu không tốt thì dân ta mới có cơ hội được nếm, điển hình như tôm, cá, mực loại một, loại ngon nhất mà trước đó được chế biến chỉ dùng cho xuất khẩu. Vì lý do nào đó, các DN không bán được nên mới mang bán ở các chợ, siêu thị trong nước.

Quần áo xuất khẩu cũng vậy, quy cách và mẫu mã may mặc là do hợp đồng gia công theo đơn hàng của các hãng nước ngoài đặt trước nên khó có dịp người tiêu dùng trong nước được dùng các loại hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao này, trừ khi, hàng bị "dội". Khi ấy, khách hủy đơn hàng, bỏ hàng - như đợt khủng hoảng kinh tế 2008 - khiến các chủ doanh nghiệp may phải linh động chuyển đổi, sửa đổi các đơn hàng sang phục vụ thị trường trong nước!

Dĩ nhiên, giá bán hàng trong nước và giá bán hàng xuất khẩu là khác nhau, chất lượng và thị hiếu tiêu dùng cũng khác.

Tại sao người tiêu dùng nội địa ít có cơ hội được sử dụng hàng Việt Nam xuất khẩu chất lượng cao? (Ảnh: BostonGlobe)
Chúng ta ra chợ mua gạo loại trung bình để nấu cơm cho gia đình giá cũng đã 14.000-15.000 đồng/ký. Gạo ngon thì phải khoảng 20.000 đồng/ký. Tức phải có giá tới hơn 700-800 USD/ tấn rồi.

Trong khi đó, chúng ta thấy giá gạo tốt 5% tấm, dành cho xuất khẩu, chỉ bán được khoảng 600 USD/ tấn mà thôi. Vậy, nếu làm tốt khâu phân phối và bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ có cơ hội phục vụ khách hàng nội địa mà không phải đấu giá, cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc ..v..v.. trong việc xuất khẩu gạo, mà có khi phải giảm giá rất nhiều để cạnh tranh.

Dễ mắc "bẫy"

Bài toán của các quốc gia muốn tăng trưởng nhanh dựa vào động lực xuất khẩu và tăng nhanh đầu tư dễ rơi vào cái bẫy là "bỏ quên" thị trường nội địa và "lãng phí" nguồn lực quốc gia.

Trong phát triển kinh doanh, doanh nghiệp thường chú ý tới quy luật 20/80, tức khoảng 20% khách hàng lớn chủ yếu sẽ góp phần tới 80% doanh số (?), mà bỏ quên các khách hàng nhỏ, lẻ truyền thống, có nhu cầu thực sự và luôn góp phần vào doanh số ổn định của doanh nghiệp, kể cả lúc khó khăn hay khủng hoảng.

Để tăng trưởng (Growth) và phát triển (Development) bền vững, doanh nghiệp thường phải chú ý giữ vững khách hàng truyền thống bền lâu, các khách hàng trung thành, các đối tác chiến lược, các thị trường gần gũi có tính truyền thống và chiến lược.

Đối với xuất khẩu cũng như bán hàng ra thị trường nước ngoài, các đối tác có thể có số lượng mua rất lớn. Ví dụ như xuất khẩu gạo sang Indonesia hoặc Philippines hàng trăm ngàn, hàng triệu tấn gạo nghe rất hấp dẫn, nhưng tính bền vững hay hợp đồng có tính lâu dài hay không lại là vấn đề khác. Lại phụ thuộc vào việc các đối thủ cạnh tranh bỏ giá đấu thầu ra sao, phụ thuộc tình hình thời tiết, khí hậu hay mùa màng trong và ngoài nước, phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng lương thực của nước bạn vào mỗi năm..v..v.

Sự bỏ ngỏ thị trường trong nước là lãng phí lớn, vì tốc độ gia tăng dân số nước ta vẫn thuộc hàng cao, dân số đông, tiêu dùng trong nước hiện vẫn còn ở mức thấp. Mỗi năm, dân số tăng thêm bằng dân số một tỉnh mới (!) và sẽ là thị trường tiêu thụ tuyệt vời cho tất cả các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu con người.

Câu chuyện về một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cặp da học sinh tập trung nguồn lực phục vụ thị trường trong nước, chấp nhận giảm thị trường xuất khẩu là một bài học rất hay về sản xuất và phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước (1); hay một doanh nghiệp Việt Nam khác, dám mạnh dạng đầu tư làm trò chơi giáo dục cho thanh thiếu niên, tổ chức sân chơi trí tuệ cho sinh viên, học sinh và giữa lúc đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới và tràn ngập thị trường nước ta (2), thì một doanh nghiệp tìm được sự khác biệt để cạnh tranh được, sống được bên cạnh một đối thủ khổng lồ là rất đáng chú ý.

Hơn nữa, khi định hướng phát triển quốc gia dựa vào xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, bên cạnh các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, chúng ta dễ mắc bẫy "nhu cầu lớn" từ phía tiêu dùng nước ngoài. Nhu cầu này có khi rất lớn, dễ làm mờ mắt các doanh nghiệp ta và cả các doanh nghiệp FDI, dẫn tới việc bỏ ra các khoản tiền rất lớn để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, tuyển dụng con người... nhằm phục vụ "nhu cầu lớn" từ xuất khẩu ra nước ngoài này.

Khi "nhu cầu lớn" này từng bước, sớm hay muộn, hình thành một luật chơi, áp đặt luật chơi do các nhà thu mua lớn, các nhà phân phối hàng hóa quốc tế lớn. Họ có thể áp đặt giá mua, giá bán, giá lao động, giá nguyên vật liệu đầu vào...v.v. ảnh hưởng mạnh đến mọi mặt, mọi công đoạn sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu.

Thấp thoáng đây đó một chính sách dạng "thuộc địa" trong kinh doanh. Nếu anh không tuân thủ luật chơi của tôi, anh có thể phá sản vì tôi không mua hàng của anh nữa! Điển hình là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hay Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề giá vốn đầu vào tăng nhanh do chi phí lương bổng, nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh nhưng giá bán đầu ra khó điều chỉnh vì người mua không đồng ý, mà luật chơi lại phụ thuộc vào họ hoàn toàn.

Trên phương diện quốc gia, các tăng trưởng GDP chạy theo thành tích % theo năm, dẫn đến việc đầu tư nhà nước tăng cao. Các đầu tư công không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, thiếu chọn lọc, tạo cơ hội xuất hiện ngày càng nhiều các dự án công làm xong không ai sử dụng, mau xuống cấp, hư hỏng như các công trình cầu, đường, chợ, trường học, cơ sở y tế, quy hoạch treo, dự án khổng lồ không khả thi, .v.v. sẽ có thể giúp có GDP tăng nhưng tổng thể nền kinh tế thì giảm sút nghiêm trọng. Điều này thể hiện qua thống kế chỉ số tăng trưởng trên đầu tư ở ta rất cao (ICOR), không hiệu quả bằng các nước khác trong các giai đoạn và thời kỳ tương tự.

Cơ cấu nền kinh tế cần lấy nội địa làm trọng

Tại Trung Quốc, hiện đang xuất hiện các lời kêu gọi của các nhà kinh tế và doanh nghiệp đối với việc cấp bách chuyển dịch cơ cấu đầu tư, giảm phụ thuộc vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu ra nước ngoài hay đầu tư công cao!

Các lời cảnh tỉnh phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kích thích tiêu dùng nội địa, chú ý sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu nội địa. Nhu cầu này ngày càng tăng nhanh và đa dạng hơn nhiều, tỷ lệ với mức tăng dân số và sự phát triển dân trí, phát triển giáo dục và nhận thức thế giới. Đây còn là thước đo phẩm chất hàng hóa trước khi xuất khẩu, thẩm định năng lực doanh nghiệp trước khi đi vào thị trường thế giới.

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều phát triển nhờ tăng nhanh xuất khẩu hàng gia công giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, nhưng hiện nay đều đang bị đối mặt với lạm phát cao, nạn ô nhiễm môi trường nặng và khó khắc phục sau này, đời sống người dân nông thôn vẫn còn rất nghèo so với thế giới, hố sâu khoảng cách giàu nghèo còn lớn và ngày càng mở rộng thêm, các giải pháp vĩ mô về chính sách tiền tệ không còn dư địa thực hiện nữa...

Do vậy, buộc nền kinh tế đứng trước các cơ hội và thách thức phải nhìn lại mình từ bên trong, xem lại chính sách tài khóa và bội chi ngân sách, soi rọi các yếu tố thuộc về nội lực cơ bản của quốc gia như nguồn lực về con người, đất đai, bí quyết công nghệ, khả năng tài chính và quản lý kinh tế..v.v..

Lời khuyên của các chuyên gia quốc tế, chủ yếu là từ các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, IMF, ADB,..v.v. chỉ có một số yếu tố tham khảo, vì cần xem họ đang phát biểu trên phương diện nào, tổ chức nào, kinh nghiệm nào trong thị trường nội địa và các yếu khác nữa. Ví dụ như các dự báo về lạm phát hay tăng trưởng của họ đối với Việt Nam hiện nay chưa hẳn chính xác, có khi sai và trái ngược hẳn tình hình thực tế.

Rõ ràng, rất cần có các chuyên gia cả trong và ngoài nước tư vấn và cảnh báo tình hình cấp bách của nền kinh tế hiện tại, để từ đó, có các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp nhất, tìm ra được lối đi cho phát triển kinh tế đất nước cho giai đoạn 5-10 năm tới và phát triển bền vững trong giai đoạn 20-30 năm sau nữa.
____________________