"Nếu định nghĩa không rõ ràng, tất cả các doanh nghiệp nhập phế liệu sẽ rất dễ phải đi tù... Chúng tôi tha thiết làm rõ khái niệm này, tránh oan sai cho doanh nghiệp” - đại diện một doanh nghiệp phát biểu.
Tại hội thảo chuyên đề "Ô nhiễm môi trường trong nhập khẩu và tái chế nhựa phế liệu" do Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VN) - VPA tổ chức ngày 14-8.
Hiệp hội Nhựa VN nhận định: Gần đây, dư luận ồn ào hàng phế liệu tồn tại cảng Hải Phòng, Cát Lái... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cùng với sự ban hành Công văn 4202 của Tổng cục Hải quan với nhiều bất cập đã khiến cho hải quan địa phương lúng túng, không thực thi được... Điều này khiến cho doanh nghiệp (DN) ngành nhựa gặp khó khăn.
Mặt khác, theo quy định mới của Bộ TN&MT, tại TP.HCM hiện có khoảng 20 DN đã đầu tư bài bản, nhất là vấn đề môi trường như nguồn nước có thể nuôi cá được với 100-200 tỉ đồng thì nay nguy cơ “chết” do không có nguồn nhựa để sản xuất.
Tha thiết đề nghị làm rõ khái niệm để không phải... vào tù
Ông Hoàng Đức Vượng (thành viên Hiệp hội Nhựa VN, đại diện cho các DN tái chế nhập khẩu phế liệu) nói thời gian qua, các cơ quan quản lý lo ngại nhất là hàng tồn cảng là chất thải thì cần phải làm rõ khái niệm này.
Phế liệu tồn cảng do nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là không phù hợp quy chuẩn nhập khẩu của VN QCVN32. Dù nó đều là nhựa tái chế nhưng không đúng QC32, mà không đúng thì bị gắn mác là chất thải.
Bên cạnh đó, theo định nghĩa của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì các loại phế liệu cũng là chất thải, mà chất thải thì cấm nhập khẩu. Định nghĩa này cũng khác với định nghĩa chất thải theo công ước Basel.
“Do đó, nếu định nghĩa không rõ ràng, tất cả các DN nhập phế liệu sẽ rất dễ phải đi tù. Vì luật hình sự có hiệu lực từ 1-1-2018 quy định ai nhập khẩu chất thải 70 tấn trở lên là đã bị tù 3-6 tháng, 170 tấn trở lên tù 2-3 năm... Chúng tôi tha thiết làm rõ khái niệm này, tránh oan sai cho DN” - ông Vượng nói.
Liên quan đến nhiều ý kiến lo ngại DN Trung Quốc thuê người Việt đứng tên DN rồi gây ô nhiễm môi trường, ông Vượng cho hay nếu bổ sung ngành nghề tái chế nhựa là ngành nghề đầu tư có điều kiện, chỉ DN Việt mới được đầu tư thì các DN nước ngoài không chỉ Trung Quốc mà còn có EU, Mỹ, Nhật buộc phải hợp tác với DN VN. Từ đó tận dụng được vốn và công nghệ của họ.
"Nếu người Trung Quốc có thuê người Việt đứng tên thì cũng chỉ là nhỏ lẻ vì chẳng ai đầu tư lớn mà chịu rủi ro thuê người khác đứng tên. Dù có chuyện này đi chăng nữa thì cơ quan nhà nước yêu cầu họ vào cụm, khu công nghiệp quản lý chặt.
Như vậy cũng không gây ô nhiễm mà vẫn thu được thuế, vẫn tạo được công ăn việc làm cho dân. Hiện nay Trung Quốc cần rất nhiều hạt nhựa tái sinh, đây là cơ hội lớn nhưng DN Việt lại lo sợ phế liệu, không dám làm" - ông Vượng nêu quan điểm.
Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại máy móc, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc tràn sang VN. Ông Vượng đặt ngược câu hỏi: "Vậy ngành nhựa nói chung và ngành tái chế nhựa nói riêng VN nên mua máy móc ở đâu? Chẳng hạn cũng là máy tạo hạt nhựa, mua của Trung Quốc giá 100.000 USD chạy được 5-10 năm, tốn khoảng bốn công nhân. Trong khi đó máy tạo hạt nhựa của châu Âu giá khoảng 1 triệu USD nhưng chạy 30 năm, chỉ tốn một công nhân.
“Ai chẳng thích hàng hiệu, nhưng nhà nghèo lại phải vay lãi suất cao thì mấy ai dám. Nhà nghèo thì đương nhiên sự lựa chọn phải bị thu hẹp. Mình phải biết mình là ai, đầu tư thế nào cho vừa túi tiền. Từng bước phấn đấu thì may ra mới có ngày mua được hàng hiệu” - ông Vượng ví von.
Ông Hoàng Đức Vượng (cầm micro) trao đổi thông tin tại hội thảo. |
Vì sao không sử dụng trong nước?
Ông Hoàng Phi Vũ, Giám đốc Công ty Minh Tâm Tín Nghĩa - chuyên xử lý rác thải, dẫn lại việc Chính phủ từng đặt câu hỏi: Vì sao tỉ lệ tái chế nhựa của VN thấp? Vì sao DN không dùng nguồn nhựa trong nước mà phải nhập nhựa đã qua sử dụng về gây ô nhiễm môi trường?
Ông Vũ phân tích: Hiện nay tại VN, nguồn rác thải sinh hoạt chiếm đến 90%, ở nông thôn lượng thu gom được 20%-50% và đi vào bãi chôn lấp. Phần còn lại nông dân tự xử lý. Tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, tỉ lệ thu gom tại nội thành khoảng 100%, ngoại thành TP.HCM khoảng 70%.
Hiện một ngày tại TP.HCM phát sinh 9.000 tấn rác, lượng rác này về ba khu xử lý rác hàng đầu. Xử lý tái chế khoảng 3.000 tấn, 6.000 tấn rác được chôn lấp.
Theo ông Vũ, trong thành phần rác thải có 16% là nhựa. Trung bình tại TP.HCM phát sinh 9.000 tấn rác/ngày, thu gom 900 tấn nhựa, xử lý được 90 tấn nhựa tái chế. Điều này cho thấy một TP hiện đại bậc nhất VN mà chỉ lấy được tối đa 10% nhựa thải. Vậy thì chất lượng thế nào?
Cầm một chai nhựa đựng nước, ông Vũ kể: Sau khi dùng xong, chai nước này đi vào sọt rác trộn lẫn với tất cả loại rác khác. Tiếp đến, chai nhựa này sẽ vào xe ép rác - một lần nữa bị trộn lẫn với các loại rác khác.
Khi vào nhà máy xử lý rác và tái chế, họ có dây chuyền tách lọc. Vào đây, vỏ chai này tiếp tục bị trộn lẫn một lần nữa.
"Xin thưa, vỏ chai này nhìn đẹp vậy nhưng làm từ rác thải kinh khủng. Tôi đã vào nhà máy rác lấy mẫu phân tích tỉ lệ và lấy chai này ra, hôi thối kinh khủng...” - ông Vũ kể.
Theo ông Vũ, loại nhựa này nếu đưa vào quy trình sản xuất tái chế ra thì không đạt yêu cầu ở các nước để xuất khẩu. Hiện nay túi nylon, plastic… tái chế chỉ dùng cho hàng thấp nhất và tiêu thụ thị trường nội địa như ống nước, tấm alu…
“Vấn đề nhức nhối là phân loại rác tại nguồn ở VN còn kém. Nếu làm được điều này sẽ trả lời được phần nào đó các DN tái chế nhựa có gia tăng tỉ lệ nhựa trong nước hay không? Do đó sẽ phụ thuộc vào chính sách, cách thực hiện chính sách của Nhà nước” - ông Vũ nói.
Hiệp hội Nhựa VN có 2.000 DN gồm sản xuất, thương mại, kỹ thuật cao. Doanh thu 12,5 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 12%/năm, xuất khẩu 2,5 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 15%/năm. Ngành tái chế phế liệu tập trung chủ yếu ở TP.HCM và phía Bắc. Năm 2016, xuất khẩu phế liệu nhựa là 86,5 triệu USD; năm 2017 là 95,7 triệu USD. Tổng phế liệu nhập khẩu: 195 triệu USD. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Cốc nhựa dùng một lần: Bị ‘cấm cửa’ ở nhiều nước, Việt Nam vẫn thịnh hành
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tẩy chay đồ nhựa dùng một lần nói chung và cốc nhựa dùng một lần nói riêng, điển hình như Pháp, Mỹ và Canada và mới đây nhất là Scotland.
Bao bì nhựa, cốc dùng một lần có thể gây ung thư cho người dùng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, bao bì nhựa, cốc dùng một lần và sản phẩm làm từ cao su chứa hóa chất có thể gây ung thư cho người dùng.
Lý do ghế nhựa luôn có một lỗ tròn ở giữa khiến ai nghe cũng gật gù
Hay đi trà đá vỉa hè, hay ngồi những chiếc ghế nhựa xanh đỏ nhưng liệu bạn có biết vì sao trên chiếc ghế nào cũng có một cái lỗ tròn nhỏ ở chính giữa không?
Nhặt chai nhựa 13 năm, ông lão gom đủ 2,3 tỷ đồng
Ông Joe Elisii, 86 tuổi, đã kiếm đủ 100.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng) trong 13 năm chỉ nhờ việc đi nhặt chai nhựa và lon trong thùng rác mỗi ngày.