Trong thời gian trinh sát đeo bám những người chở các thùng dầu nhớt giả từ căn nhà ở khu dân cư Hoàng Hải, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM ra thị trường, trinh sát nhiều lần phải “buông” vì bị những người này “cắt đuôi”. Có hôm họ đảo quanh khu dân cư nhiều vòng hoặc đang đi đường một chiều bỗng nhiên tấp vào lề đường nói chuyện điện thoại vài chục phút mới tiếp tục lưu thông.

Luôn cảnh giác với người lạ

Muốn vào lấy hàng phải liên lạc trước với người trong nhà, đến nơi phải phát đúng tín hiệu người trong nhà mới mở cửa. Người đến giao vỏ bình nhớt cũ cũng phải phát đúng tín hiệu mới được vào trong.

Cuối tháng 2-2019, được một người quen giới thiệu, chúng tôi tiếp cận được cơ sở sản xuất dầu nhớt giả này. Đây là căn nhà cấp bốn rộng 5 m, dài 20 m, phía sau là kho chứa vỏ bình nhớt, bên ngoài là nơi sản xuất được che lại để tránh ánh nhìn qua khe cửa từ bên ngoài. Căn nhà này là nơi sản xuất, ban ngày có hai vợ chồng đến vừa sản xuất vừa tiêu thụ, tối về nơi ở thuộc địa bàn phường Bình Hưng Hòa B.

Đứng ở cửa đợi khoảng năm phút, có lẽ nhận đúng ám hiệu, người phụ nữ ra mở cửa, chỉ đủ chiếc xe máy chở vỏ bình nhớt cũ lọt qua.

Trên nền nhà, hàng chục bình nhớt giả đã dán tem cùng năm thùng nhớt hiệu Honda và Castrol sẵn sàng “lên đường”. Vỏ bình nhớt cũ, mới chưa dán tem và thùng bìa carton in bên ngoài Castrol, Yamaha, Honda chất cao ngất.

Trong lúc bỏ hai bao vỏ bình nhớt cũ xuống đất, máy ghi hình của PV ghi cận cảnh người đàn ông cặm cụi xả nhớt từ một bồn ra bình nhớt cũ, tiếp đến người phụ nữ dùng máy dập nắp và chưa đầy một phút là xong một bình nhớt giả.

Bồn cạn, người đàn ông đứng lên xách một can 30 lít nhớt để sẵn bên cạnh đổ vào, khi đổ gần hết can nhớt, chuông điện thoại reo. Trong câu chuyện, chúng tôi nghe được và hiểu bên kia đang cần hai thùng dầu Castrol loại dùng cho xe số. Cúp máy, người đàn ông vội vã lấy nhãn hiệu Castrol dán vào vỏ bình nhớt mới… và bồn đang “sản xuất” dầu nhớt hiệu Yamaha chuyển sang “sản xuất” nhớt mang hiệu Castrol…

{keywords}
Nhớt từ bồn chiết vào các bình nhớt cũ giả các thương hiệu.

 

{keywords}
Bên trong “công xưởng” làm nhớt giả.

 

{keywords}
Chiếc xe bán tải chở nguyên liệu đến “xưởng” làm nhớt giả.

 

{keywords}
Nhớt giả thành phẩm chuẩn bị tung ra thị trường.

Công an cất vó

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, trinh sát báo cáo người có thẩm quyền để “cất vó”. Sáng 8-4, trinh sát cùng CSGT chốt chặt các vị trí quanh khu dân cư Hoàng Hải. Khoảng 9 giờ ngày 8-4, khi người đàn ông chạy xe máy từ bên trong chở theo hai bao hàng ra khỏi nhà đến đường số 10 thì bị CSGT dừng xe. Các trinh sát đưa người này lên xe, trở lại căn nhà trong khu dân cư Hoàng Hải.

Khi cánh cửa mở ra, ai cũng bất ngờ với quy mô của cơ sở sản xuất dầu nhớt giả. Đội Quản lý thị trường (QLTT) cũng có mặt sau đó kiểm tra nhà do Nguyễn Ngọc Sanh thuê.

Hàng chục bao lớn đựng vỏ bình nhớt cũ các thương hiệu Yamaha, Castrol, Honda cùng hàng ngàn tem nhãn, niêm đóng miệng nắp bình nhớt, nhiều bao vỏ bình nhớt loại 5 lít dùng cho xe ô tô bị thu giữ.

Theo lời khai của ông Nguyễn Ngọc Sanh, cơ sở ông cũng sản xuất nhớt cho ô tô giả hiệu Castrol.

Bước đầu ông Sanh thừa nhận hằng ngày cơ sở của ông sản xuất nhớt giả ba thương hiệu như Castrol, Honda và Yamaha bằng cách mua nhớt thải với giá 20.000 đồng/lít về đóng vào vỏ chai cũ, sau đó đóng thùng mang bỏ mối cho nhiều tiệm sửa xe và giao cho các đầu mối mang bán lại giá 37.000-39.000 đồng/chai (tức 900.000 đồng/thùng 24 chai). Hằng tuần có một chuyến đi giao về miền Tây bằng xe tải. Mỗi chai nhớt làm giả ông lời khoảng 10.000 đồng.

Trong lúc công an và QLTT đang kiểm tra căn nhà cấp bốn này thì chiếc xe bán tải biển số 51D-292.85 đến giao hàng như thường lệ, lập tức bị CSGT yêu cầu dừng lại kiểm tra, trinh sát yêu cầu mở thùng sau xe ra thì có 14 thùng dầu nhớt nhãn hiệu nước ngoài. Cán bộ QLTT yêu cầu xuất trình hóa đơn nhưng tài xế chỉ xuất trình được một phiếu xuất kho, theo phiếu xuất kho thì có 25 thùng sơn, tài xế cho biết đã giao chín thùng ở một điểm khác. Riêng hóa đơn, tài xế (kiêm chủ xe) không xuất trình được nên số hàng này bị QLTT lập biên bản tạm giữ.

Vụ việc hiện được Công an huyện Hóc Môn và Đội QLTT số 20 tiến hành điều tra mở rộng.

Khách hàng không tài nào phân biệt được

Theo anh Tạ Văn Kiên (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi), anh hành nghề chở rau muống, nhiều lần anh thay nhớt nhưng xe chạy vài ngày là máy bắt đầu có tiếng kêu mà không biết nguyên nhân tại sao, phải đi thay nhớt khác. “Tôi nghĩ xe cũ nên máy kêu, qua đọc báo, tôi khẳng định là mình đã mua phải nhớt giả” - anh nói.

Còn anh Nguyễn Tiến Thực (ngụ xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi) làm nghề bán nệm nên thường dùng xe tải chở nệm đi giao ở nhiều tỉnh khu vực phía Nam. “Khi đọc báo, tôi quá hoang mang vì không biết đâu là nhớt giả, đâu là nhớt thật” - anh cho hay.

Một thợ sửa xe ở quận 12 thì khẳng định nếu dùng nhớt giả sẽ bị phá động cơ như lột dên, hư bạc đạn, phá pít tông. “Nhớt giả sẽ phá banh hết máy, nhất là xe đời mới” - người thợ khẳng định.

Chủ một tiệm sửa xe ở quận 12 cho là khi thay nhớt, chỉ có thợ mới biết, khách hàng thì chào thua. “Nhớt can em còn không tin chứ đừng nói là nhớt phuy. Nhà phân phối thật nhưng chưa chắc đã phân phối đúng hàng nếu không có lương tâm” - một đại lý nhớt ở ngã tư An Sương (quận 12) nói. 

(Theo Pháp luật TP.HCM)