Hiện trên thị trường xuất hiện các chiêu trò lừa đảo, hô biến kim cương nhân tạo giá trị cực thấp thành kim cương tự nhiên nhằm che mắt người tiêu dùng.

Báo Sài gòn Giải phóng đưa tin, thị trường trang sức Việt ngày càng sôi động, nhất là vào những mùa mua sắm cuối năm. Trong đó, kim cương luôn là mặt hàng không thể thiếu trong danh sách lựa chọn của người tiêu dùng. Hiện nay, trên thị trường, ngoài kim cương thiên nhiên, nhiều loại kim cương nhân tạo, kim cương tổng hợp lần lượt được tung ra nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng phần nào làm xáo trộn thị trường kinh doanh kim cương nói chung cũng như thị trường trang sức nói riêng. Trên thực tế, không ít người tiêu dùng đã chịu thiệt thòi khi đa phần những loại kim cương nhân tạo chỉ là những viên cubic zirconia (CZ - một loại đá tổng hợp), moissanite… với chất lượng thấp đánh lừa người tiêu dùng.

{keywords}

Hiện trên thị trường xuất hiện chiêu thay "lý lịch" kim cương nhân tạo thành kim cương thiên nhiên đánh lừa người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Đáng nói hơn, hiện nay trên thị trường còn có xu hướng kinh doanh kim cương tổng hợp “giả danh” kim cương thiên nhiên. Trong khi đó, cách phân biệt và các thiết bị máy móc để nhận biết kim cương tổng hợp hiện vẫn chưa có nhiều, ngay cả những đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cũng còn lúng túng khi nhận biết.

Một trường hợp điển hình do báo Thanh Niên ghi nhận, dù mua và sở hữu rất nhiều viên kim cương, nhưng bà M (Q.3, TP.HCM) vẫn cay đắng bị mất hàng trăm triệu đồng khi mua phải viên kim cương giả nước D. Bà M kể, cách đây mấy tháng bà đến một cửa hàng bán kim cương ở khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) mua một viên. Theo như giấy khai sinh, viên kim cương này có khối lượng 5,4 li, nước màu D.

Thấy “lý lịch” đàng hoàng, bà M đồng ý mua chiếc nhẫn gắn viên kim cương này nhưng không ngờ đeo chỉ được vài tháng viên đá không còn sáng màu như lúc đầu. Bà M vội vàng đem đi kiểm định thì mới té ngửa, nước màu của viên kim cương là nước F chứ không phải nước D như giấy khai sinh. Đáng nói là chênh lệch giá kim cương nước D và F khá xa. Một điểm bán kim cương ở khu vực chợ Bến Thành cho biết một viên kim cương 5,4 li nước D, độ tinh khiết VVS1 có giá hơn 150 triệu đồng, còn nước F vào khoảng 68 triệu đồng.

Khẳng định có tình trạng trên, đại diện của một công ty chuyên giám định PNJ cho biết: “Trong quá trình kiểm định kim cương cho khách hàng, chúng tôi phát hiện một số sản phẩm có giấy chứng nhận khai sinh của GIA khối lượng 5,4 li hay 6 li nước D, E. Thế nhưng khi kiểm tra lại thì rớt xuống nước G hay F".

Cũng theo vị đại diện trên, kim cương có giấy khai sinh GIA ghi độ sạch VVS1 nhưng kiểm tra lại ra là VVS2”. Việc rớt 1 - 2 nước màu của kim cương khiến người tiêu dùng bị thiệt hại lớn. Cụ thể, một viên kim cương có cùng khối lượng, độ sạch như nhau nhưng rớt 1 - 2 nước, người mua đã bị móc túi từ 10 - 15%/tổng giá trị/nước màu. Đơn cử một viên kim cương 5,4 li, màu D, độ sạch VVS1 có giá tương đương 4.500 USD. Nhưng nếu là nước E, giá còn khoảng 3.600 USD và nếu xuống nước F, giá khoảng 3.200 USD.

{keywords}

Người tiêu dùng nên thận trọng trước khi mua kim cương. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo Sài gòn Giải phóng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kim cương tổng hợp có kích thước nhỏ, dưới 3 ly (gọi là kim cương tấm). Loại kim cương tổng hợp này dễ dàng được trộn lẫn với kim cương thiên nhiên trong các lô hàng lớn.

Ngoài ra, các loại kim cương tổng hợp này được sản xuất với độ tinh vi cao nên các loại máy giám định bình thường, kính hiển vi… rất khó phát hiện, chỉ có những loại máy giám định hiện đại (giá vài chục ngàn USD) mới phân biện được.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho biết thêm, kim cương tổng hợp có thành phần hóa lý hoàn toàn giống với kim cương thiên nhiên. Tuy nhiên, cần có khái niệm rõ ràng giữa kim cương tổng hợp và kim cương giả bởi kim cương tổng hợp không phải là kim cương giả, chúng được sản xuất trong phòng thí nghiệm với thời gian khá ngắn so với kim cương thiên nhiên và giá trị chỉ bằng khoảng 30% kim cương thiên nhiên.

(Theo Viet Q)