Tỉnh Tiền Giang đã mở đợt tổng diệt lục bình bằng tay trong hai tháng với ước tính tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Thời gian qua, do đặc thù tỉnh có nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, lục bình theo dòng nước bị ứ đọng lại và sinh sôi, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất. Việc vớt lục bình nhỏ lẻ không hiệu quả nên tỉnh Tiền Giang đã mở đợt tổng diệt chúng bằng tay trong hai tháng với sự tham gia của toàn thể người dân.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Chi Đông - Chi cục trưởng chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết đơn vị đã phối hợp hỗ trợ công tác vớt lục bình.
"Chúng tôi có phối hợp theo và tham mưu, hỗ trợ cho địa phương về công tác vớt lục bình", ông Đông cho hay.
Về tiến độ công việc đã hoàn thành, vị Chi cục trưởng này cho biết hiện tại số liệu tiến độ công việc do bên Chi cục thủy lợi của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn nắm.
Tiền Giang chi hơn 8 tỷ để vớt lục bình bằng tay. |
Trước đó như thông tin báo chí đã đưa, chiến dịch vớt lục bình do ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, các phó chủ tịch, thành viên UBND tỉnh và lãnh đạo sở cũng được giao theo dõi từ một đến bốn huyện.
"Tỉnh có trên 1.200 km kênh, rạch bị lục bình bao phủ với diện tích hơn 9 triệu m2. Các đơn vị liên quan sẽ dùng ngân sách chi 1.000 đồng mỗi m2 lục bình, ước tính tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng", ông Pháp nói.
Theo ông Pháp, sau chiến dịch, mỗi người dân sẽ được vận động tự vớt lục bình trên sông đoạn qua nhà mình để duy trì chúng không tái phát. Chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên và chịu trách nhiệm nếu để lục bình tái phát.
Ông Pháp cũng cho biết, trước đây tỉnh từng đề xuất dùng máy vớt, tuy nhiên, nhận thấy không hiệu quả, nên tỉnh ưu tiên phương án vớt thủ công. Khó khăn hiện nay là chi phí vớt mỗi m2 lục bình quá thấp, nên tỉnh đang bàn bạc hỗ trợ thêm để người dân tích cực tham gia.
Lục bình đang là vấn nạn của nhiều tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Một số địa phương đã tận dụng lục bình để làm đồ thủ công mỹ nghệ nhưng không hết.
Tỉnh Long An từng ký hợp đồng chế tạo máy vớt hơn 3 tỷ đồng nhưng thất bại. Sau đó, một máy vớt khác công nghệ Trung Quốc giá hơn 2,5 tỷ đồng cũng được đề xuất mua, nhưng lãnh đạo tỉnh này không đồng ý do giá quá đắt, phạm vi hoạt động không lớn.
(Theo Báo Đất Việt)