Cả 4 thành viên dù chưa ai là F0 nhưng từ sau Tết đến nay, gia đình chị Nguyễn Mai Thu ở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) đã chi khoảng 5 triệu đồng để mua kit test nhanh và các mặt hàng liên quan đến phòng ngừa, hỗ trợ điều trị Covid-19.

Chị Thu than thở, nhà có người già và trẻ nhỏ, công việc của cả vợ chồng chị đều phải ra ngoài gặp gỡ nhiều người. Những ngày gần đây, số ca F0 tăng kỷ lục, mỗi ngày vài nghìn người nhiễm mới, vợ chồng chị liên tục là F1 của các F0. Thế nên, ngoài khẩu trang, kit test nhanh trong nhà lúc nào cũng phải có để test thường xuyên.

“Thu nhập bị giảm do dịch mà dịp này chi phí sinh hoạt mọi thứ đều tăng. Nhất là các loại vật tư y tế giá tăng chóng mặt”, chị nói. Tuần trước, chị vừa phải đặt mua một hộp kit test nhanh 20 bộ với giá 1,6 triệu đồng, 1 thùng khẩu trang với giá 300.000 đồng cho người lớn dùng, thêm 100.000 đồng khẩu trang trẻ em. Súng khử khuẩn, máy xông, máy SP02, đồ xông cũng phải mua dự phòng.

{keywords}
Người dân than thở tốn kém tiền vì phải test nhanh Covid-19 liên tục (ảnh: BH)

Cuối tuần vừa qua, chồng chị có nhiều triệu chứng nhiễm Covid-19, test nhanh hai lần đều âm tính. Song vì nhà có trẻ nhỏ, để yên tâm nên vẫn đến viện xét nghiệm PCR tốn thêm 750.000 đồng.

“Chỉ chưa đầy một tháng, tôi đã tốn khoảng 5 triệu đồng dù gia đình chưa ai là F0”. Theo chị Thu, số tiền này đã chiếm mất 1/2 tháng thu nhập của mình nên chị đang phải cân đối lại toàn bộ chi tiêu sinh hoạt của gia đình.

Bình thường, thu nhập của chồng chị vẫn dùng để trả nợ tiền mua nhà, chỉ còn dư ra 4-5 triệu đồng/tháng. Còn lương của chị để chi tiêu sinh hoạt ăn uống trong gia đình. Dịp này, giá cả hàng hoá đều tăng chóng mặt. Đi chợ rau củ đắt đỏ, xăng dầu tăng giá, trời lạnh điện sử dụng cũng nhiều hơn. Nay thêm tiền phòng ngừa dịch bệnh nên khoản tiền sinh hoạt vốn đã eo hẹp nay càng cạn kiệt, chị chia sẻ.

Nghĩ "phòng hơn chống", song chị Đinh Thị Diệu Hằng ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng than trời vì chỉ trong vòng hai tuần nay, chị đã phải chi khoảng hơn 10 triệu đồng để mua kit test nhanh và khẩu trang... dù cả 7 thành viên trong gia đình chưa ai là F0.

Chị kể, nhà có bố mẹ già, đứa con nhỏ học tiểu học chưa tiêm mũi vắc xin nào, 2 đứa con lớn đi học trực tiếp liên tục là F1 khi ngồi gần và tiếp xúc với F0. Thế nên, cứ 2-3 ngày chị lại test cho toàn bộ thành viên trong gia đình một lần. Cùng với đó, cả nhà bổ sung các loại vitamin, tăng cường ăn trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

"Mấy ngày nay thấy nói kit test, khẩu trang tăng giá khiến tôi phát hoảng. Bởi đây là hai mặt hàng gia đình phải dùng nhiều nhất để phòng ngừa dịch bệnh".

Chị nhẩm tính, tiền hai thùng khẩu trang người lớn và một thùng khẩu trang trẻ em hết hơn 1 triệu đồng, tiền kit test nhanh 2 hộp (25 bộ/hộp) hết 4 triệu đồng, sát khuẩn và các loại vitamin hết gần 2 triệu đồng.

{keywords}
Có gia đình chi tới cả chục triệu đồng để mua khẩu trang, kit test nhanh... dù chưa phải F0 (ảnh: BH)

Cách đây mấy ngày, gia đình anh cả sát vách thông báo có 2 thành viên F0. Để yên tâm chị gọi dịch vụ xét nghiệm PCR đến nhà test luôn cho 7 người, hết hơn 4 triệu đồng.

“Hiện gia đình tôi vẫn phải test nhanh liên tục để kịp thời phát hiện F0 cách ly ngay vì gia đình có người già, trẻ nhỏ”, chị Hằng chia sẻ và hy vọng dịch bệnh qua nhanh, bởi cứ đà này thì núi tiền cũng hết.

Không may mắn khi cả 5 người trong gia đình đều trở thành F0, anh Đào Văn Thành ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay tốn một khoản tiền kha khá để điều trị và phục hồi sức khoẻ.

Theo đó, chỉ riêng tiền thuốc điều trị, tiền kit test, khẩu trang và gừng sả xông đã hết 8 triệu đồng. Chưa kể, trong khoảng thời gian dương tính với Covid-19, tiền ăn uống cũng tốn kém không ít vì các thành viên trong gia đình đều phải bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường thể chất chống lại virus trong cơ thể.

Đến nay, 3/5 thành viên đã khỏi bệnh nhưng việc test nhanh vẫn duy trì. Anh tính toán, vì dịch nên chi phí sinh hoạt tháng này của gia đình nhà anh đội lên gấp đôi.

Ghi nhận trên thị trường, giá các loại kit test nhanh, khẩu trang, máy SP02, gừng sả... phục vụ cho việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị Covid-19 tăng chóng mặt. Một số mặt hàng loạn giá, loạn xuất xứ khiến người dân không chỉ tốn kém mà còn như lạc vào “ma trận”, không biết chọn lựa thế nào cho chuẩn để tránh tiền mất tật mang.

Gần đây, cơ quan chức năng cũng bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán kit test nhanh, thuốc điều trị Covid-19. Ngày 17/2, tại sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra lô hàng vi phạm, phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid các loại xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.

Hay Công an tỉnh Quảng Ninh cũng kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 2.500 bộ kit nhanh Covid-19 nhãn hiệu nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. 

Ngày 23/2, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra phát hiện 500 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp) điều trị Covid-19, hàng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp đang trên đường đưa đi tiêu thụ.

Châu Giang

Xấp xỉ 5 vạn F0, kit test nhanh tăng giá mạnh, có nơi bán 140 nghìn/bộ

Xấp xỉ 5 vạn F0, kit test nhanh tăng giá mạnh, có nơi bán 140 nghìn/bộ

Thị trường kit test nhanh đang tấp nập khách, giá tăng chóng mặt khi các ca nhiễm Covid-19 (F0) tăng kỷ lục.