Đó là đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về về thực hiện Quyết định số 1840/QĐ-BGTVT và đề xuất kế hoạch tiếp theo về vận chuyển khách nội địa thường lệ bằng trong tháng 12 năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Cơ quan này cho hay, giai đoạn 21/10-18/11, 4 hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức khai thác 44 đường bay nội địa tới toàn bộ 22 cảng hàng không của Việt Nam, với tổng cộng 2.207 chuyến bay khứ hồi. Tổng lượng khách vận chuyển đạt 446.805 hành khách, hệ số sử dụng ghế trung bình 54,4%.
Trong đó, Hà Nội - TP.HCM (HAN-SGN) là đường bay có hệ số sử dụng ghế trung bình cao nhất khi liên tục đạt trên 90%; tiếp theo là Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc, TP.HCM - Phú Quốc/Đà Nẵng/Nghệ An/Thanh Hóa với hệ số sử dụng ghế trung bình từng đường bay từ 65-75% tùy theo ngày.
Khách mong muốn có chuyến bay khứ hồi đi về trong ngày |
Tuy nhiên, Cục Hàng không đánh giá, nhu cầu đi lại đang tập trung chủ yếu vào đường bay trục, đặc biệt là các đường bay kết nối TP.HCM và các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, nhưng tần suất vẫn đang hạn chế, chưa có cơ hội để Vietravel Airlines tham gia khai thác thị trường nội địa.
Việc tần suất bay trên đường bay trục hạn chế cũng khiến các hãng hàng không tập trung vào dải giá cao, ít có cơ hội đưa ra các mức giá khuyến mại, gây bức xúc về giá vé đối với hành khách.
Điển hình, giá vé máy bay rẻ nhất trên đường bay trục Hà Nội - TP.HCM vẫn phổ biến từ 1,2-1,3 triệu đồng/chiều giai đoạn từ cuối tháng 11 tới đầu tháng 12. Giá vé duy trì ở mức trên 1 triệu-gần 1,5 triệu đồng/chặng (Vietjet Air), còn các hãng khác như Vietnam Airlines, Bamboo Airways thường cao hơn từ 700.000-1 triệu đồng.
Chưa kể, các quy định hiện tại mới áp dụng đến 30/11/2021 nên các hãng hàng không cũng khó khăn trong việc lập kế hoạch khai thác trong lịch bay mùa Đông 2021/2022, đặc biệt là kế hoạch bay Tết Nguyên đán 2022.
Hiện tại, hầu hết các đường bay mới được hãng hàng không khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày, điều đó cũng gây khó khăn cho hành khách có nhu cầu đi lại trong ngày để giải quyết công việc, hạn chế việc lưu trú qua đêm tại địa phương bên ngoài.
Theo Cục Hàng không, vẫn còn trường hợp khách đi máy bay phải khai báo y tế điện tử qua bản giấy in sẵn; quy định hãng bay không được bán đồ ăn, nước uống trên máy bay cũng gây bất tiện cho hành khách, đặc biệt là nhóm khách có trẻ em đi cùng,...
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị đề xuất Bộ GTVT khai thác toàn bộ các đường bay nội địa bình thường trở lại từ năm 2022.
Giai đoạn tới, Cục kiến nghị tăng tần suất khai thác chặng Hà Nội - TP.HCM/Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng lên 16 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay từ 1-14/12; tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay từ ngày 15-31/12/2021.
Trong đó, ngoài tăng chuyến cho 4 hãng hàng không nội địa đang khai thác lên 5-6 chuyến với Vietnam Airlines và Vietjet Air, 3-4 chuyến với Bamboo Airways và 2-4 chuyến với Pacific Airlines thì Vietravel Airlines được phép khai thác 1 chuyến bắt đầu từ 1/12.
Các đường bay khác được khai thác không quá 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.
Cục Hàng không cũng kiến nghị điều chỉnh bỏ quy định về chuyển giao thông tin hành khách từ ứng dụng PC-Covid của Bộ Thông tin và Truyền thông về các địa phương, mà địa phương sẽ tự tiếp nhận thông tin hành khách từ ứng dụng.
Đồng thời, bãi bỏ quy định hãng hàng không “không cung cấp dịch vụ trên chuyến bay”.
Ngọc Hà
Giá vé bay TP.HCM - Hà Nội liên tục kịch trần
Hành trình bay từ TP.HCM đi Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá vé ở mức trần 3,6 triệu đồng trong suốt giai đoạn 14/10 - 21/10, thậm chí nhiều ngày bay đã hết ghế.