Từ đầu tháng 8 tới nay, người trồng thanh long khóc ròng bởi giá rẻ chưa từng có do ách tắc xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hùng- nhà vườn trồng thanh long tại xã Xuân Hưng (Xuân Lộc- Đồng Nai) vừa phải cắt bán thanh long ruột đỏ cho thương lái với giá 2.000-3.000 đồng/kg. Giá thu mua sụt giảm thê thảm, thương lái còn chọn lựa kỹ, thành ra tỷ lệ thanh long loại 2 và 3 rất cao. Loại này chỉ bán được với giá vài trăm đồng/kg. Lo lắng hơn cả là thanh long vào đợt chín rộ nhưng thương lái thu mua rất chậm, ông Hùng chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ tại Trảng Bom (Đồng Nai), nhiều đợt cao điểm, khi thanh long xuất khẩu tốt, thương lái sẵn sàng trả 40.000-50.000 đồng/kg, thậm chí 60.000 đồng/kg hàng loại 1. Hàng loại 2-3 nếu bán trong nước cũng được 20.000-35.000 đồng/kg. Song, hiện giá đã giảm chạm đáy, chỉ 2.000-5.000 đồng/kg.

{keywords}
Người nông dân đang bán thanh long giá rẻ như cho

Các nhà vườn trồng thanh long ở Đồng Nai cho biết, với giá bán hiện nay, sản lượng thanh long càng cao thì càng lỗ nặng do tiền bán trái thu về không đủ bù vốn đầu tư, nhất là chi phí nhân công.

Đây là lần thứ hai trong năm nay nông dân ở tỉnh này phải chịu cảnh thua lỗ vì giá thanh long chạm đáy.

Theo số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, diện tích trồng thanh long ruột đỏ của tỉnh này khoảng 1.110ha, năng suất đạt 30 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất. Phần lớn sản lượng thanh long của tỉnh này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thế nhưng, năm nay xuất khẩu gặp khó vì dịch Covid-19 khiến giá mặt hàng này sụt giảm mạnh.

Tương tự, do xuất khẩu gặp khó nên nhà vườn trồng thanh long tại xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phải bán 3.000 đồng/kg, trong khi tháng trước giá xuất bán tại vườn vẫn ở mức 15.000-16.000 đồng/kg.

Giữa tháng 8, nông dân trồng thanh long tại xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng khóc ròng vì giá giảm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Song, trái với giá rẻ như cho tại vườn, ở chợ Hà Nội thanh long là loại quả được bày bán phổ biến ở hầu hết các sạp hàng trái cây nhưng lại có giá vô cùng đắt đỏ.

Tại sạp hàng trái cây của chị Nguyễn Thị Xuân ở chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), thanh long ruột đỏ loại 1 hàng loại 1 (trọng lượng đạt trên 0,5kg/quả) giá bán lên tới 55.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng loại tương tự 50.000 đồng/kg. 

{keywords}
Tại chợ Hà Nội, giá thanh long từ 30.000-55.000 đồng/kg, đắt gấp 10-25 lần giá tại vườn

Tương tự, tại các cửa hàng trái cây, siêu thị ở Hà Nội, thanh long loại rẻ rất giá cũng lên tới 28.000 đồng/kg, hàng đẹp trái to giá dao động từ 40.000-55.000 đồng/kg.

Bà Phạm Thị Nhiên ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, bà thường xuyên mua thanh long về ăn, song giá quả này tại chợ lúc rẻ nhất cũng 25.000 đồng/kg, còn như 3 quả ruột đỏ bà mua hôm nay nặng 2,1kg, hết tổng cộng 115.000 đồng.

Anh Bùi Văn Toản - một đầu mối chuyên đổ sỉ thanh long từ miền Nam ra chợ đầu mối ở Hà Nội - nói rằng thanh long là mặt hàng rất khó bảo quản, tỷ lệ hao hụt cao, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển lại đắt đỏ nên giá bán sỉ ở Hà Nội thường đội lên cao hơn so với giá thu mua ở vườn rất nhiều.

Chưa kể, từ chợ đầu mối ra đến chợ dân sinh, không chỉ mặt hàng thanh long mà hầu hết các loại trái cây giá thường đội lên gấp 2-3 lần. Do đó, người tiêu dùng luôn phải mua hàng với giá cao ngất ngưởng.

Chia sẻ về chuyện giá nông sản trên Nông nghiệp Việt Nam, một doanh nhân có tiếng trong ngành cho hay vừa chứng kiến nông dân Tây Nguyên bán bơ sáp với giá chỉ từ 5.000-7.000 đồng/kg, nhưng vào siêu thị hay ra chợ lại rất khó để mua được những quả bơ đó với giá dưới 20.000 đồng/kg.

Theo bà, đây là thực trạng chung của nhiều loại nông sản ở nước ta. Bà khẳng định, chuỗi nông nghiệp của chúng ta xưa nay thì người có thể giàu, an toàn là ở khâu trung gian, còn bản chất người sản xuất hay người tiêu dùng đều đang chịu thiệt thòi.

Muốn bán một quả thanh long thì phải biết con đường của nó như thế nào. Bà cho rằng, nông dân không thể đủ năng lực để hiểu được quả thanh long mình làm ra đi đến đâu và ai là người mua, đi qua bao khâu trung gian, thị trường ở đâu,... Trách nhiệm này phải là những người làm chính sách, người quản lý.

Khi không hiểu, không quản lý được, cộng với chi phí logistics cao như hiện nay thì lãi đổ đầy túi khâu trung gian, người tiêu dùng vẫn phải mua giá đắt, còn người nông dân phải bán giá rẻ.

L.Minh