Mặc dù không có bằng cấp hay được học qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí chế tạo nhưng ông Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1946 - Hà Nội) vẫn tự mày mò và sáng chế thành công sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống.

Nguồn nguyên liệu ông khai thác từ những vật dụng cũ, hỏng, người ta không sử dụng đến nữa. Ông Lĩnh cho rằng, rác cũng là một loại tài nguyên, một kho báu quý. Nếu biết tận dụng, chúng sẽ là kho báu vô giá.

"Những chiếc ti vi hỏng, đồ công nghệ cũ, thiết bị gia dụng đều là sản phẩm của trí tuệ con người. Chỉ vì hỏng mà vứt đi, rất phí phạm", ông nói.

Trước đây, ông Lĩnh công tác trong cơ quan Nhà nước với vị trí quản lý. Khi về hưu, ông có thời gian rảnh rỗi hơn, thay vì để bản thân nhàn rỗi, ông tập trung nghiên cứu thiết bị gia dụng.

Dưới bàn tay của ông, những chiếc vali cũ biến thành xe đẩy hàng, móc áo cũ, biến thành ăng-ten tivi, bánh xe từ ghế văn phòng thêm một vài phụ kiện là thành xe đẩy thùng nước lau nhà…

{keywords}
Nguồn nguyên liệu ông khai thác từ những vật dụng cũ, hỏng, người ta không sử dụng đến nữa.

Chia sẻ về chiếc ăng ten độc đáo, ông nói: "Ăng ten thu phát sóng, bắt được nhiều kênh truyền hình với độ nét cao".

Ông mất khoảng 5 tiếng để làm xong chiếc ăng ten này. Ban đầu, ông làm thử chiếc nhỏ, sau ông mạnh dạn chuyển sang làm ăng ten to hơn.

Một lần đi dạo, ông thấy hàng xóm định mang cây treo quần áo bỏ ra ngoài nhà rác. Ông xin về, cắt gọt theo kích thước đã tính toán rồi dùng các thanh gỗ nối chúng thành ăng ten.

Với sắt, ông có thể dùng khoan để bắt vít nhưng inox tròn, khó khoan nên ông dùng búa đinh đục lỗ và bắt ốc vào.

Một vật dụng ông tâm đắc là chiếc xích đu, tái chế từ chiếc giường cũ của con gái. Lần đó, con gái thay đồ nội thất mới, thấy giường còn chắc chắn, ông lóe nên ý tưởng làm xích đu nên đã chuyển về nhà mình.

{keywords}
Chiếc xích đu được ông Lĩnh tái chế từ chiếc giường cũ của con gái.

Hai tấm gỗ to bản được dùng là ghế và tựa lưng, bốn thanh giường làm cột chống. Tay vịn thì được nhấc từ ghế xoay văn phòng hỏng chân. Toàn bộ xích đu, ông chỉ bỏ số tiền ít ỏi mua đôi dây thép.

Sau này, ông cải tiến thêm bánh xe cho xích đu để thuận tiện di chuyển trong nhà. "Vợ chồng tôi có tuổi rồi, bê vác vật dụng nặng khó khăn. Lắp bánh xe cho xích đu, khi cần sẽ dễ dọn dẹp hơn", người đàn ông lớn tuổi kể.

Sản phẩm độc đáo nhất trong kho báu đồ tái chế của ông có lẽ phải kể đến chiếc đèn bàn đa năng, tích hợp máy nghe nhạc dây cót, sạc điện thoại, cục phát wife, nhiệt kế, ống cắm bút.

Ông Lĩnh tiết lộ, thời gian hoàn thiện chiếc đèn khoảng 4 năm. Vì ông vừa làm vừa nghiên cứu. Nhiều lần chưa ưng ý, ông tháo ra rồi lắp thêm các thiết bị khác.

Mục đích ông sáng tạo ra chiếc đèn "5 trong 1" là giúp đồ đạc nhỏ không bị thất lạc, dễ lau dọn.

Hay vật dụng đặc biệt hữu ích với người cao tuổi như ông Lĩnh là xe kéo thùng nước làm từ vali kéo.

Chiếc vali kéo vỡ bị vứt ngoài nhà rác, ông Lĩnh lượm về, bỏ phần thân vali, giữ lại tay kéo và bánh xe.

"Tôi dùng gỗ và nhôm đóng thành bệ đỡ, gắn tay kéo vào. Mỗi lần lau nhà, tôi đặt thùng nước lên và kéo đi, không tốn sức", ông Lĩnh nói.

{keywords}
Người đàn ông này tâm sự, mỗi lần các chương trình thời sự nhắc đến chuyện ô nhiễm môi trường, rác thải ảnh hưởng đến đời sống con người, ông cảm thấy rất băn khoăn.

"Lượng rác thải ra môi trường càng nhiều, sự sống trên trái đất càng bị đe dọa. Thế hệ con cháu chúng ta mới là nạn nhân chịu ảnh hưởng nhiều nhất", ông trầm giọng nói.

Đây cũng là lý do khiến ông quyết định tái chế đồ cũ, đồ hỏng người ta không dùng đến thành các sản phẩm mới. Qua đó góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Tính đến nay, ông về hưu đã 14 năm. Đây cũng là khoảng thời gian ông gắn bó với công việc "lạ lùng" này.

Mỗi món đồ, ông làm từ vài tiếng đến vài ngày, dài nhất là 4 năm, phụ thuộc vào độ cầu kỳ của sản phầm. Nhà ông hiện có hàng chục món đồ gia dụng được tái chế từ rác thải.

Bên cạnh tái chế rác thải, ông Lĩnh còn nghiên cứu một số sản phẩm dùng cho xe máy. Ông vốn là người đam mê xe cổ, với mong muốn việc bảo dưỡng, chăm sóc xe được tốt hơn, ông sáng chế ra chiếc kích nâng xe máy.

Khi nào cần thay lốp hay sửa chữa xe, ông lấy chiếc kích này nâng phần đuôi xe máy lên cao.

Bạn bè, người quen thấy chiếc kích nhỏ gọn, dễ dùng hơn kích bán trên thị trường nên đã đặt ông làm.

{keywords}
Bên cạnh tái chế rác thải, ông Lĩnh còn nghiên cứu một số sản phẩm dùng cho xe máy.

Chi phí cho một chiếc kích khoảng 300 - 400 nghìn. Ông nhẩm tính, đã sản xuất và bán hơn 30 chiếc.

Số tiền tuy không nhiều nhưng ông thấy vui vì bản thân có ích, tự làm ra tiền bằng đôi bàn tay yêu lao động của mình.

"Người trẻ có giá trị của người trẻ, người già có giá trị của người già. Đồ vật cũng vậy, dù là phế thải chúng vẫn có giá trị với con người, là kho 'vàng' quý giá", ông Lĩnh tâm sự.

(Theo Dân Trí)