Bất thường thương lái thu mua bọ độc 3 sọc giá "trên trời"

Nhiều ngày nay, thương lái đổ xô tới các tỉnh Tây Nguyên để tìm mua loại bọ 3 sọc (còn gọi là sâu ban miêu, sâu đậu,... ) với giá tới cả triệu đồng/kg, không hiểu để làm gì.

Được thương lái đặt hàng với giá cao, nhiều người dân lùng sục khắp nương rẫy, núi rừng để bắt loài bọ cánh cứng có 3 sọc vàng về bán. Còn các tiệm tạp hóa, quầy thuốc tây thì cho biết họ mua về để bán lại cho thương lái Trung Quốc.

{keywords}
Loài bọ 3 sọc được người dân lùng bắt vì giá cao.

Một số chuyên gia về kỹ thuật bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum khẳng định, con bọ cánh cứng đang được thương lái thu mua là loài ban miêu khoang vàng nhỏ, dài hơn 1 cm, thân màu đen với các điểm hay dải ngang màu vàng. Loài này thường gây hại trên lúa, khoai lang, bầu, bí... 

Trước đây, loài bọ 3 sọc này đầy rẫy tại các vườn nhà, nương rẫy nhưng không ai mua. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không nên bắt vì loại bọ này có độc, gây bỏng.

Những năm trước, thương lái cũng tìm mua nhiều loại nông sản "kỳ dị" bán sang Trung Quốc như: cau non, rễ tiêu, nụ hoa thanh long, đỉa, ốc bươu vàng...

"Chui" vào ống cống uống cà phê ở Sài Gòn

Quán cà phê trên đường số 6, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM với thiết kế khá lạ lùng thu hút thực khách. Bên trong sân vườn rộng hơn 700 m2 được đặt những ống cống xếp liền nhau thành 1 hàng. Bên trong mỗi ống cống được lắp đặt bàn ghế, quạt và sơn màu sắc sặc sỡ làm không gian cho khách ngồi uống cà phê.

{keywords}
Quán cà phê độc lạ với những ống cống nối liền nhau.

Mỗi ống cống có đường kính hơn 2m, làm bằng bê tông cốt thép. Các ống có chiều sâu gần 3m, được sơn sửa màu rực rỡ, lắp đặt bàn ghế, quạt... nhìn khá bắt mắt. 

Ngoài điểm nhấn là các ống cống, quán còn bố trí nhiều khu vực khác với thiết kế gắn liền với thiên nhiên, cây cỏ. Lối vào quán là mái vòm dài với những cây leo xanh tươi, bên trong sân vườn còn bố trí hồ nước, thả cá Koi, chép.

Tích góp đá quý làm hòn non bộ khổng lồ, rao bán 2 tỷ

Tại triển lãm sinh vật cảnh, đá quý diễn ra tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), tác phẩm “Mẫu tử sơn” được làm bằng đá ruby đỏ khiến nhiều du khách ngạc nhiên bởi từ trước đến nay họ chưa thấy một hòn non bộ nào lớn như vậy làm bằng đá quý.

{keywords}
 Hòn non bộ bằng đá quý khổng lồ.

Anh Mai Hoàng Anh (Thanh Hóa), chủ nhân của tác phẩm cho biết, thời điểm hiện tại, đây là tác phẩm non bộ làm bằng đá quý lớn nhất thế giới. Theo đó tác phẩm non bộ nặng trên 2 tấn làm từ loại đá quý có nguồn gốc từ Lục Yên (Yên Bái), trong đó hơn 1 tấn đá gốc ruby và gần 200kg tinh thể ruby loại đỏ đẹp.

Rất nhiều du khách dừng chân ngắm, chụp ảnh, quay lại tác phẩm. Hiện tác phẩm được anh Hoàng Anh rao bán với giá 2 tỷ đồng.

Loài xương rồng to cao như "cột chống trời" ở Cần Thơ

“Kim lăng trụ” là giống xương rồng có xuất xứ từ Nam Mỹ, được ông Dương Văn Ngôn sưu tập về trồng cạnh nhà cổ Bình Thủy (TP Cần Thơ). Cây xương rồng gần 50 tuổi, cao khoảng 12m và đường kính gốc hơn 45cm. 

{keywords}
Giống xương rồng khổng lồ.

Thân xương rồng có rất nhiều khía, gai có màu vàng chanh lóng lánh rất đẹp. Theo thời gian, thân xương rồng nổi u chai sần. 

Giống xương rồng này thường cho hoa một năm 3 lần vào tháng 1, tháng 4 và tháng 8 âm lịch.

Người đàn ông nuôi 1.000 con 'mãng xà' cực độc ở Lào Cai

Ông Ngô Văn Bình ở thôn Làng Chưng (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đang sở hữu trại rắn hổ mang lên tới cả nghìn con.

{keywords}
Ông Bình nuôi thành công rắn hổ mang.

Từng nuôi đủ thứ con như: Lợn, ba ba, tôm càng xanh, cá giống nhưng do tốn nhiều công chăm sóc và giá cả không ổn định, ông Bình quyết định nghe theo lời một người bạn, chuyển sang nuôi loài “mãng xà” cực độc (rắn hổ mang). Sau gần 9 năm nuôi rắn hổ, hiện ông Bình đang có 1.200 con rắn hổ mang. Từ nuôi con cực độc kêu “phì phì” này mà mỗi năm ông Bình “bỏ túi” trên 300 triệu đồng.

Theo ông Bình, thị trường đầu ra của rắn hổ mang được thương lái Vĩnh Phúc lên thu mua rồi mang ra Quảng Ninh để bán sang Trung Quốc.

'Cụ' thị khủng 200 tuổi vẫn 'đẻ sòn sòn' trái chín vàng, thơm nức

Cây thị khổng lồ với tuổi đời gần 200 năm ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn cho quả chín vàng, thơm nức mỗi độ tháng 8 về. Mỗi năm, cây thị này có thể thu hoạch được cả trăm kg quả. 

{keywords}
Cây thị xòe cành lá rộng, tỏa bóng mát tạo thành sân chơi riêng cho lũ trẻ.

Thân cây to lớn 10 trẻ em dang tay vòng quanh mới ôm xuể. Gốc cây u nổi những vòng xoắn vững chãi.

Năm 2015, cây thị cổ thụ chính thức được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.

Câu được cá lạ 7kg nghi sủ vàng quý hiếm trên sông Gianh

Một ngư dân ở Quảng Bình vừa câu được 1 con cá lạ có vảy màu vàng óng, dài 80cm, nặng 7kg trên sông Gianh.

{keywords}
Anh Nguyễn Đình Hồng và con cá lạ câu được.

Nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt lâu năm trên sông Gianh cho biết con cá này là cá sủ vàng.

Cá sủ vàng là loại cá quý hiếm, hiện còn lại rất ít. Thịt cá rất ngon. Ngoài chất lượng dinh dưỡng cao, bóng cá sủ vàng được sử dụng để làm chỉ khâu tự tiêu trong vi phẫu thuật và phẫu thuật, có giá từ 45.000-55.000 USD/kg.

Ở Việt Nam từng có nhiều ngư dân câu được cá sủ vàng và bán với giá hàng trăm triệu, thậm chí cá sủ vàng lớn có thể bán với giá tiền tỷ.

Trà quý hiếm lập kỷ lục hơn 1.000 USD/kg

Theo nguồn tin Ndtv, tại Trung tâm đấu giá trà Guwahati, một túi trà nặng 2kg Maijan Orthodox Golden của công ty trà Assam (Ấn Độ) đã được bán với giá 141.002 rupee (khoảng gần 50 triệu đồng). Tính ra, mỗi kg trà có giá 25 triệu đồng.

{keywords}
Túi trà Maijan Orthodox Golden 2kg có giá 50 triệu đồng.

Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận cho bất kỳ loại trà Assam nào được bán đấu giá công khai. 

Maijan Orthodox Golden được xem là loại trà quý hiếm. Chúng được chế biến từ những khóm trà có tuổi thọ 100 tuổi ở các nông trường của Công ty Assam. Mọi công đoạn sản xuất loại trà này đều hoàn toàn thủ công.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)